Nuôi chó thả rông -mối nguy hiểm cho cộng đồng

Cập nhật: 28-09-2018 | 11:01:50

(BDO) Ngày 28-9 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống bệnh dại. Hàng năm chúng ta bỏ ra ngân sách khá nhiều cho công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh dại nhưng vẫn còn nhiều điều đáng nói về ý thức người dân khi nuôi chó để thả rông...

Chó là một loài động vật thân quen với con người. Chó cũng là biểu tượng của sự trung thành và gắn bó với gia chủ, nó còn có ích trrong việc canh giữ, bảo vệ nhà cửa... Một số loài chó còn được huấn luyện để thực hiện những việc an ninh, săn tìm người lạ, vật lạ, chất nổ...Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân gây không ít phiền toái, nguy hiểm cho cả cộng động. Ngoài việc, chó bị dại cắn người truyền bệnh dại không thể chữa được, nó còn cắn nhiều người khác mà vết thương cũng rất lâu lành.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi gửi đến người đọc một số thiệt hại khi bị chó cắn. Một em bé mới được 4 tuổi, suy dinh dưỡng độ 1, chạy chơi ngoài đường, bị một con chó thả rông cắn bị rách da khá sâu ở cẳng chân, máu chảy nhiều. Nguyên nhân chó cắn là vì 3 con chó đang cắn nhau, thì em bé chạy ngang và nó tấn công cắn em bé. Sau khi bị chó cắn, người lớn đã kịp thời rửa vết thương bằng xà phòng, rồi đưa bé đi chích ngừa vắc xin phòng ngừa bệnh dại. Mũi đầu tiên sau chích ngừa, tối hôm đó suốt đêm bé nóng bừng, khô môi, bứt rứt gần như không ngủ, đến mũi 2,3,4,5 thì bớt sốt, nhưng vẫn bứt rứt khó chịu. Nhưng quan sát sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng, do trẻ suy dinh dưỡng, đã biếng ăn nên sức khỏe không khá hơn. Sau một thời gian, người chủ con chó cũng đến thăm và hỗ trợ 300,000 đồng trong tổng số 850,000 đồng tiền vắc xin.

Trường hợp thứ hai là trẻ đã được 11 tuổi, bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Một buổi chiều đi học về chạy xe đạp lòng vòng quanh xóm thì bị một con chó đẻ đang dẫn con, thấy lũ trẻ chạy xe qua, con chó mẹ tấn công cắn vào bắp chân hai nhát cắn rất sâu, máu chảy nhiều. Nơi chó cắn, cách xa  nhà hơm 1 km. Hôm đó lại là ngày thứ 6, trời đã tối nên không thể chích ngừa ngay được. Khi chó đã cắn người thì chủ không đứng ra nhận là chó của mình. Cha mẹ lo lắng vì phải đến thứ hai đầu tuần mới chích ngừa được.

Trường hợp thứ 3, là khi đến nhà một người quen chơi, bị một con chó cắn vào đùi phải, vết cắn sâu nhưng chủ nhà cho biết là đàn chó 20 con đã chích ngừa cho chó đầy đủ, nên chúng tôi không đi chích ngừa, nhưng vẫn lo lắng!

Trong khi đó, hầu hết người nuôi chó thả rông không có trách nhiệm trông giữ chó, cũng như trách nhiệm với người khác khi con chó mình đang nuôi đã cắn người. Rất ít người nuôi chó, thả rông, phóng uế, cắn người...nhận đó là chó của mình.

Theo số liệu thông kê chưa đầy đủ, có 400.000 người bị chó cắn trung bình hàng năm trên cả nước. Bình quân người bị chó cắn tốn 800.000 đồng tiền tiêm ngừa. Tính ra thiệt hại do chó cắn phải tiêm ngừa dại thì số tiền lên đến 320 tỷ đồng! Chưa kể số người bị phát bệnh dại không có thuốc chữa, năm 2017 có 63 người chết vì bệnh dại. Đây là điều rất đáng lo ngại khi theo các chuyên gia, bệnh dại có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.

Để phòng ngừa bệnh dại và những tổn thương không đáng có, người nuôi chó cần có trách nhiệm với cộng đồng, phải tuân thủ những quy định về nuôi chó. Đối với người bị chó cắn  cần phân loại độ nặng vết thương như sau:

Độ I: Sờ súc vật hay súc vật liếm trên vùng da lành. Không điều trị, nếu con chó đáng tin cậy. Độ II: Vết cào, vết cắn làm trầy xướt nhỏ, không chảy máu. Chỉ dùng vắc xin. Độ III: Vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở. Dùng huyết thanh kháng dại và vắc xin. Việc tiêm huyết thanh kháng dại là cần thiết trong trường hợp vết thương độ III theo khuyến cáo của WHO (một hay nhiều vết cắn xuyên thấu, vết thương hở bị nhiễm nước dãi). Sử dụng huyết thanh kháng dại nhằm để trung hòa nhanh chóng lượng virus tại chỗ có bên trong vết thương khi chúng chui vào trong đầu tận cùng dây thần kinh. Huyết thanh kháng dại giúp bảo vệ tại chỗ qua việc bù đắp khoảng trống miễn dịch cho đến khi xuất hiện lượng kháng thể sinh ra do tiêm vắc xin.

QUY ĐINH XỬ PHẠT

Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, ngày 31 tháng 7 năm 2017, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Điều 7. Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

b) Không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận tiêm phòng cho động vật.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc lấy mẫu giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người; gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa theo quy định.

7. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch;

b) Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu Giấy chứng nhận tiêm phòng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải lấy mẫu, xét nghiệm bệnh động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều này. 

 

SỸ HOÀNG – QUỲNH NHƯ 

(Bài viết có tham khảo tài liệu của Viện Pasteur TP.HCM)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1165
Quay lên trên