Nuôi, kinh doanh cá cảnh: Thú chơi kiếm ra tiền

Cập nhật: 10-09-2012 | 00:00:00

 Hiện nay, cũng như thú chơi cây cảnh, tranh ảnh, tượng gỗ... thú chơi cá cảnh cũng ngày càng được phổ biến sâu rộng trong các hộ gia đình, cả ở thành thị và nông thôn. Bên cạnh chơi cá cảnh để thỏa niềm đam mê, nhiều gia đình đã “khai thác” tiềm năng kinh tế từ việc nuôi, kinh doanh cá cảnh. Từ đó, dịch vụ chuyên cung cấp cá cảnh được hình thành và đã trở nên một công việc làm ăn cho hiệu quả kinh tế cao.  Anh Nguyễn Trọng Dương, chủ cửa hàng cá cảnh Đồng Thị

Từ thú chơi tao nhã...

Nếu như cách đây khoảng 5 năm trở về trước, thú chơi cá cảnh chỉ chủ yếu nhắm vào các “đại gia”. Bởi, những con cá bày bán trên thị trường với giá lên đến hàng triệu đồng, thì hiện nay, cá cảnh đã trở nên bình dân, gần gũi với người dân hơn. Có thể thấy ở mỗi lứa tuổi, người ta tìm thấy cho riêng mình một loại cá. Nó thể hiện được tính cách cũng như điều kiện của người “chơi cá”. Các em nhỏ có thể tự sắm cho mình một bể cá nhỏ, tầng lớp trung lưu thì trang trí cho ngôi nhà của mình một bể trồng thủy sinh. Người có thu nhập cao hơn thì chơi bể nước mặn như đại dương thu nhỏ trong nhà...

Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cá cảnh Bình Dương: Hiện nay việc chơi cá cảnh ngày càng được nhiều người ưa chuộng là nhờ “khoản” chăm sóc cá khá đơn giản. Từ thức ăn đến việc làm sạch bể, đều có sẵn hoặc có máy móc và dịch vụ chăm sóc chuyên môn của công ty, cơ sở mua bán cá cảnh. Với các loại cá nhỏ và rẻ tiền như: cá 7 màu, Hồng tử kỳ, Mún ba màu, Sóc đầu đỏ, Phấn hồng kỳ, cá Kiếm... chỉ cần 500.000 đồng, người chơi đã có 1 chiếc bể cá cảnh khá ưng ý. Ngoài ra, quan niệm của nhiều người, bể cá cảnh mang biểu tượng của phong thủy đem lại tài lộc và quyền lực cho gia đình.

Anh Đoàn Văn Thành, sống tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Gia đình tôi từ bố đến các con, ai cũng yêu quý thiên nhiên. Bởi vậy, hay “săn” những cây trồng, vật nuôi về chăm sóc. Được bạn bè giới thiệu xây dựng hồ cá cảnh, tôi đã lắp đặt và thấy không khí trong nhà sinh động hơn. Mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng đứng nhìn cá bơi lội thật thoải mái”.

Để nghề nuôi cá cảnh, cũng như thú chơi cá cảnh tại Bình Dương ngày một phát triển, những người đam mê cá cảnh Bình Dương đã thành lập Hội Cá cảnh (năm 2007) và xây dựng thành cả một làng nghề nhằm đa dạng hóa chủng loại cá, cũng như ổn định về số lượng để cung cấp cho thị trường cá cảnh trong nước và xuất khẩu. Đến nay, hội đã có hơn 80 hội viên, với nhiều hoạt động thiết thực, hứa hẹn nghề nuôi cá cảnh Bình Dương sẽ ngày càng đa dạng, phong phú.

...Đến hiệu quả kinh tế

Có thể thấy từ thú chơi cá cảnh phát triển, kéo theo nghề nuôi cá cũng phất lên nhanh chóng. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 50 hộ dân làm nghề nuôi cá cảnh và mở cửa hàng cá cảnh, 100 người dân bán dạo trên các tuyến đường. Trong đó có những người đã gắn bó với nghề hơn 30 năm, cơ ngơi ngày càng phát triển nhờ cá cảnh. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Trọng Dương (36 tuổi), chủ cửa hàng cá cảnh Đồng Thị (10C, Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An). Anh Dũng kể, sau nhiều năm bôn ba làm kinh tế nhưng thất bại, năm 2002, anh quay về tiếp bước theo nghề của ba (nghề nuôi cá cảnh) để mưu sinh. Từ đôi bàn tay trắng, hiện nay anh đã có hồ nuôi cá cảnh diện tích 1.000m2 tại Bình Nhâm và cửa hàng bán cá cảnh. Cửa hàng của anh Dương hiện có hơn 100 loại cá, bên cạnh các loại cá trao đổi, nhập khẩu, anh còn tự nghiên cứu lai tạo một số loại cá. Từ nỗ lực đó, mỗi tháng doanh thu cửa hàng hơn 60 triệu đồng/tháng.

Từ những thăng trầm mà anh đã vượt qua, anh thầm nghĩ, “không nên ích kỷ làm giàu cho chính mình, mà phải thể hiện được trách nhiệm với xã hội”. Vì vậy, anh đã giúp đỡ cho các hội viên trong hội kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân tỉnh tập huấn nuôi cá cảnh cho người dân. Anh Dương cho biết: “Hiện nay hội đang liên kết các cơ sở nuôi cá cảnh nhằm cung thu gom sản phẩm để phân phối đến các nước trên thế giới”.

Khác với anh Dương, ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cá cảnh tỉnh “sống chung” với nghề cá cảnh bằng niềm đam mê. Từ đam mê đã góp phần đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình. Theo ông Dũng, việc nuôi cá cảnh tuy là dễ với những người có kiến thức về nuôi cá, nhưng cũng không ít khó khăn đối với những người không am hiểu về cá cảnh. Không phải cứ bắt tay vào là có thể nuôi được ngay và cũng không đơn giản là bỏ ra một số vốn sẽ tính toán có lãi được bao nhiêu. “Người mới nuôi cá cảnh chưa có kinh nghiệm mà vội vàng nuôi nhiều thì chắc chắn sẽ thất bại. Muốn trở thành người làm kinh tế bằng nuôi cá cảnh, người nuôi phải học và trở thành một nghệ nhân trước. Bởi nghệ nhân sẽ có những đánh giá chuẩn xác về một con cá đẹp, biết cách chăm sóc cho cá và có niềm đam mê thì mới thành công”, ông Dũng, nói.

Có thể thấy, nghề nuôi cá cảnh đang góp phần giúp nhiều người dân Bình Dương ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, để có thể “trụ” với nghề giữa sự cạnh tranh như hiện nay, người nuôi cá cảnh cần tích cực học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, tạp chí, tivi, thậm chí học từ những người có thâm niên... tự lai tạo những giống cá đẹp, độc đáo mang thương hiệu riêng. Bởi theo các nghệ nhân cá cảnh: “Cá cảnh được ưa chuộng không phải được tính bằng trọng lượng, kích thước mà chúng được tính bằng vẻ đẹp hoàn mỹ thông qua màu sắc, hình dáng”.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1968
Quay lên trên