Nuôi ong “du hành”
Trong một chuyến đi công tác Phú Giáo, chúng tôi có dịp ghé thăm trại nuôi ong của anh Nguyễn Văn Phùng (39 tuổi, quê Nghệ An) khi anh mải mê chăm đàn ong giữa vườn cao su đang rộ hoa.
Nếu so với nhiều nghề khác, nuôi ong là một nghề khá “mỏi chân” bởi người chủ phải rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để theo đuổi mùa hoa, “nhưng biết làm sao được, vợ chồng tôi mê nó mất rồi!”, anh Phùng cởi mở.
Anh Phùng với 500 đàn ong “du hành” ở Phú Giáo Rong ruổi tìm đường mưu sinh…
Vào miền Nam từ những ngày còn mười tám, đôi mươi, anh Phùng có duyên gặp chị Hoa - “người bạn đời đáng yêu của mình” trong một lần đi làm mướn. “Duyên số vồ lấy nhau”, anh Phùng và người con gái cùng quê nhanh chóng nên đôi nên lứa.
“Còn sống một mình thì sao cũng được, nhưng có vợ con rồi thì phải kiếm cho được cái nghề để còn lo cho gia đình”, với suy nghĩ đó, anh Phùng lặn lội khắp các tỉnh Đông Nam bộ nghiên cứu mô hình kinh tế bởi “cực một tí nhưng miễn là có thể làm chủ chính mình”.
Cuộc “phiêu lưu” tìm con đường làm ăn của anh Phùng nhiều lúc tưởng đi vào ngõ cụt khi đến đâu cũng được trả lời “vốn nhỏ vậy thì làm được gì”, nhưng anh chưa bao giờ bỏ cuộc. Năm 2001, anh Phùng có cuộc “dạo chơi” dài ngày đến Đồng Nai để thăm một vài người bạn đồng hương, cũng tại đây, anh biết đến nghiệp nuôi ong “du hành”.
Sau khi hỏi kỹ nơi mua con giống, cách chăm sóc và quy trình “du hành” về loài ong mật, anh Phùng trở về căn nhà trọ ọp ẹp bàn với vợ về những trăn trở. Đồng tình với quyết định táo bạo của chồng, chị Hoa gom hết tiền bạc dành dụm trong nhà được khoảng hơn 20 triệu đồng đưa chồng đi mua 50 đàn ong. “Cứ nghĩ có con giống rồi thì mọi chuyện dễ dàng, nhưng đến khi mua được giống về rồi mới tá hỏa xe cộ để đưa ong đến vùng hoa cũng không kém phần quan trọng”, anh Phùng nhớ lại.
Mua ong vào tháng 9, mùa tái tạo lại đàn nên ông chủ trẻ có hơn 3 tháng để tìm kiếm nguồn xe cộ để di chuyển đàn ong đến xứ hoa. Thời gian này, việc lưu thông còn tương đối khó khăn, nên việc tìm kiếm xe không hề dễ dàng. Bí quá, anh Phùng đành gọi điện cho người bạn đi trước trong nghề nuôi ong xin “đi ké” một vụ. Lời cầu cứu của anh Phùng nhanh chóng bị người bạn đồng hương khước từ bởi “xe nhỏ, chở 300 đàn ong, chật lắm rồi”. Cuộc tìm kiếm phương tiện vận chuyển đàn ong của hai vợ chồng trẻ đang đi vào ngõ cụt thì đến tháng 12 anh Phùng nảy ra suy nghĩ “sao mình không xin đi theo xe chở hàng nông sản rồi tính tiếp?”. Thời gian này ở Tây nguyên, sau vụ thu hoạch, những cây cà phê đã bắt đầu chớm nụ, chỉ cần gặp nước là sẵn sàng bung cánh bất cứ lúc nào. Nghĩ bụng, những chiếc xe tải đi chở cà phê đa phần đều “trống thùng” nếu lưu thông từ xuôi lên ngược, anh Phùng lại lân la đến các quán cơm lớn trên quốc lộ để làm quen, xin đi nhờ.
“Quả đúng như dự đoán, việc xin đi theo xe tải không khó lắm”, chuyến di cư cho đàn ong lần đầu tiên trong đời của vợ chồng anh Phùng khá cực nhọc do chưa có kinh nghiệm cũng thành công tốt đẹp khi đàn ong 50 tổ của anh chị đáp cánh an toàn tại huyện Ea Sup (Đắc Lắc). “Nhìn thấy những con ong thỏa thê tung cánh giữa trùng điệp hoa cà phê trắng ngần mà lòng tôi hạnh phúc lắm!”, chị Hoa hồi tưởng.
”Hút mật”
Thoáng đó mà vợ chồng anh Phùng đã sống với nghề nuôi ong “du hành” được hơn 10 năm. Không biết từ bao giờ, cuộc sống của anh chị đã trở nên gắn bó với những mùa hoa. Hoa nở, ong đến, hoa tàn ong đi bao nhiêu mùa đã đọng lại trong tâm trí anh chị không ít kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Nếu năm 2003 gia đình anh Phùng đã gầy dựng được 200 đàn ong thì đến năm 2004 chỉ còn lại 70 đàn. “Mới vào nghề, không nắm rõ các loại bệnh lý của ong nên vợ chồng tôi chỉ biết đứng nhìn đàn ong của mình thu hẹp lại”, anh Phùng bồi hồi.
Không chỉ gặp khó khăn với việc chăm sóc, thỉnh thoảng, trên đường di cư đàn ong anh Phùng còn gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt. Sau vài năm quen với cung quãng đường đi, vợ chồng anh Phùng quyết định thuê một chiếc xe tải loại 15 tấn và thanh toán mọi chi phí. Nếu thuê xe trọn gói kiểu này mang lại lợi ích thiết yếu là khả năng cơ động cao thì việc thỉnh thoảng “nằm đường dài ngày” là điều đáng sợ nhất của dân nuôi ong “du hành”. “Hồi năm 2006, có hôm xe hỏng cả tháng trời ở đèo An Khê (nằm ở khu vực giáp giới giữa Bình Định và Gia Lai), nhìn đàn ong tiều tụy trong thùng xe từng giờ mà vợ chồng tôi nước mắt rơi như mưa. Cứ tưởng lần đó là sạt nghiệp luôn rồi chứ!”, anh Phùng kể lại. Anh Phùng kể khá nhiều kỷ niệm “nhớ đời”. “Nhiều lúc tủi nhục, vợ chồng tôi tính bỏ hết mà về nhà với con cái nhưng cái bụng lại dặn không đành”, chị Hoa thay lời chồng.
Sự kiên trì không bao giờ là vô dụng, sau cuộc trượt dốc kéo dài 5 năm. Tháng 9-2009, trong khi chờ đợi những con ong dưỡng sức, tái tạo đàn, anh Phùng quyết định lên TP.HCM đăng ký một lớp học về kỹ thuật chăm sóc ong mật. Khóa học kéo dài 2 tháng tưởng chừng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa nhưng thật sự mang lại những điều hữu ích. “Sau khóa học, về nhà chỉ cần mở nắp tổ quan sát một tí là tôi có thể nhận biết tình trạng sức khỏe của đàn ong”, anh Phùng tự hào. Vừa nói anh vừa chỉ tay vào những đàn ong đang đặt trong rẫy cao su của một người quen ở xã An Bình (Phú Giáo): “Năm 2009, vợ chồng tôi chỉ còn lại chưa đầy 100 đàn ong, nhưng bây giờ con số này đã là 500 rồi đấy!”
Với số lượng đàn ong hiện tại, mỗi tháng gia đình anh Phùng thu khoảng 10 tấn mật (30.000 đồng/kg), 2 tạ sáp ong (60.000 đồng/kg) sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Nói về nghê nuôi ong, chắc hẳn không nhiều người biết đây là nghề “có nhà mà không về được”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm, vợ chồng anh Phùng chỉ về nhà chưa đầy nửa tháng, thời gian còn lại thì rong ruổi khắp mọi miền Bắc - Nam với những mùa hoa nở rộ. “Đầu năm đến hết tháng 2 thì ở Đông Nam bộ và Tây nguyên (mùa hoa cà phê, cao su, điều); tháng 3 ra Bắc theo mùa hoa nhãn, vải; tháng 4 đến tháng 8 lại về miền Trung với hoa tràm (keo); tháng 9 đến tháng 12 phải tìm đất đậu cho ong dưỡng sức và tái tạo lại đàn”.
ĐÌNH THẮNG