Nhu cầu cần vốn để nuôi thủy sản ở ĐBSCL hiện nay rất lớn do giá thức ăn tăng kéo giá thành sản xuất tăng theo. Tuy nhiên, các ngân hàng tỏ ra dè dặt với ngành xuất khẩu “tỷ đô” này. Không có vốn sản xuất nên nhiều hộ nuôi thủy sản phải cay đắng bỏ nghề, diện tích ao hầm hoang phế đang tăng đến mức báo động.
Người nuôi cùng đường
Cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) một thời vang danh với con cá tra. Phong trào nuôi cá ở đây phát triển chóng mặt và thực tế nhiều hộ vươn lên giàu có từ nghề này. Những năm cá tra được giá, Tân Lộc được mệnh danh là “cù lao tỷ phú” với hàng loạt ca nô lướt sóng trên sông Hậu, còn lên bờ thì hả hê với xe hơi đời mới. Chuyện làm giàu ở cù lao Tân Lộc khiến nhiều địa phương khác ở ĐBSCL “thấy phát ham”, tuy nhiên giờ đây “cù lao tỷ phú” đã trở thành “cù lao nợ” (?).
Theo UBND phường Tân Lộc, mọi chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi giá cá tra giảm mạnh và khó tiêu thụ khiến người nuôi lỗ te tua. Năm 2009, nhiều hộ tiếp tục đầu tư lớn để mong gỡ lại, nào ngờ giá cá lại vẫn ở mức thấp, dẫn đến “nợ chồng nợ”.
Những tháng đầu năm 2010, giá cá nhích lên ai cũng mừng nhưng sau đó liên tục sụt giảm, trong khi giá thức ăn cứ tăng nên tình hình càng lúc càng xấu. Nhiều hộ nuôi cho biết, chưa bao giờ nghề nuôi cá tra chịu lỗ kéo dài như hiện nay và thật sự đã lâm vào khủng hoảng. Nhiều hộ nuôi cá mang nợ ngân hàng khoảng 100 - 200 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ đã hết khả năng thanh toán. Trước đây, giá đất nuôi cá ở Tân Lộc từ 200 - 300 triệu đồng/công, nay giảm khoảng 40% - 50%, chẳng ai thèm ngó.
Tại làng cá Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) tình hình cũng tương tự. Ông Võ Văn Năm ở khu vực Thới Bình 2 thừa nhận: “Năm 2009, tôi nuôi 2 hầm gần 200 tấn cá lỗ hơn 1,5 tỷ đồng, hiện tài sản đã bán sạch nhưng nợ vẫn chất chồng chưa trả hết. Từ đầu năm 2010 đến nay, đã đi “gõ cửa” hàng chục ngân hàng xin vay vốn đầu tư nuôi tiếp nhưng tất cả đều lắc đầu không cho”. Chị Nguyễn Thị Lệ, xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết: Người nuôi cá hiện nay gần như cùng đường. Giấy tờ đất, tài sản đã thế chấp ngân hàng nhưng chẳng thấm vào đâu. Trong khi ngân hàng xiết nợ cũ - còn xin vay mới không ai cho. Thậm chí đi vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao từ 5% - 10%/tháng trở lên cũng không được.
Ngân hàng cho vay nhưng “phải liên kết”
Theo Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, vấn đề nóng bỏng của ngành thủy sản hiện nay là vốn, bởi hầu hết người nuôi đang thiếu vốn trầm trọng. Do không đủ vốn nên diện tích nuôi cá tra ở Đồng Tháp từ đầu năm 2010 đến nay chỉ có 1.100ha, giảm hơn 700ha so năm 2009. Tại các tỉnh khác, diện tích “treo ao” chiếm 40% - 50%. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, phân tích: “Nuôi cá bây giờ đòi hỏi vốn rất lớn, chỉ cần nuôi 100 tấn phải có ít nhất từ 1,7 - 1,8 tỷ đồng, đa số người nuôi không thể tự lo được mà phải trông vào ngân hàng giúp sức. Hơn 2 năm thua lỗ, người nuôi sắp “chết đuối” giữa dòng, nếu ngân hàng không “thả phao” chắc chắn người nuôi sẽ “chìm” vì không cách nào đứng lên được”.
Con tôm dù giá cả gần đây có khá hơn nhưng người nuôi cũng không đủ vốn. Năm nay thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài đã khiến hàng ngàn diện tích tôm chết trắng. Nhiều hộ đang chạy đôn chạy đáo tìm vốn duy trì nuôi lại, tuy nhiên không phải ai cũng được ngân hàng “ưu ái” cho vay. Ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) thừa nhận: Thủy sản là kinh tế chủ lực của địa phương, tuy nhiên nghề này trồi sụt thất thường không ổn định. Nếu trúng mùa thì chi tiêu trong gia đình, trả nợ… hết sạch. Ngược lại, bị mất mùa coi như… lãnh đủ. Chính từ rủi ro của nghề nuôi thủy sản đã khiến các ngân hàng không còn “mặn” như trước. Hiện nay, muốn vay được vốn ngoài chuyện thế chấp tài sản, người nuôi phải có uy tín, trả lãi - trả gốc đúng hẹn, cộng thêm nhiều vấn đề khác…
Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Nam Việt cho rằng, năm nay ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Hiện tại nguồn nguyên liệu (cả tôm và cá tra) thiếu hụt, nếu như tới đây ngân hàng tiếp tục “đóng cửa” thì nhiều hộ không thể nuôi lại và nguyên liệu sẽ thiếu trầm trọng hơn. Do đó doanh nghiệp muốn tăng cường xuất khẩu cũng bó tay vì không đủ nguyên liệu chế biến. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu đang gặp khó khăn do những bất ổn về kinh tế gây ảnh hưởng. Từ những yếu tố trên cho thấy để đạt mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ USD trong năm 2010, ngành thủy sản cần phải vượt qua nhiều rào cản.
Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL đề nghị các ngân hàng xem lại chính sách tín dụng. Những lúc cá được giá, đầu ra thuận lợi - người nuôi có lời các ngân hàng được hưởng lợi không nhỏ. Nay người nuôi bị dồn vào đường cùng, thiết nghĩ ngân hàng nên “cứu họ”. Chỉ có tái đầu tư, duy trì sản xuất trở lại thì người nuôi có điều kiện trả nợ và ngành thủy sản mới đảm bảo tốc độ tăng trưởng, hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đặt ra.
THEO SGGP