OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Cập nhật: 16-12-2022 | 08:42:00

 Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh đã trở thành giải pháp quan trọng để kinh tế nông thôn bứt phá theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nông sản. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

 Bưởi da xanh của Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) đạt sản phẩm OCOP 3 sao

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế

Chương trình giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Tập trung vào một số nội dung trọng tâm, như: Tổ chức triển khai chu trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế mẫu mã sản phẩm, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc; chú trọng nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Để triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn, cần tập trung vào các nội dung, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai chương trình; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; tổ chức các sự kiện giới thiệu và kết nối cung - cầu...

Phát triển bền vững kinh tế nông thôn

Mục tiêu cụ thể của Bình Dương giai đoạn 2021-2025, duy trì chương trình OCOP hàng năm liên tục theo 6 bước, tuần tự như sau: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/ hợp tác xã tham gia OCOP...

Theo ông Văng Phước Hậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia. Hiện nay, người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP và tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất.

Với Bình Dương, trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, từ OCOP đã tạo nên một sự bứt phá trong lĩnh vực “tam nông”. Thực tế đã cho thấy mặc dù diện tích sản xuất và tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm, nhưng con số tuyệt đối trong lĩnh vực này lại tăng cao, đặc biệt là việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, Bình Dương làmột trong những địa phương tiêu biểu trong cả nước. Đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, xuất hiện nhiều “tỷ phú chân đất”. Quan trọng hơn, OCOP đã tạo động lực để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, với việc hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; truyền “cảm hứng” để những người nông dân hình thành nên những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ; xây dựng nên những thương hiệu…

Thông qua chương trình OCOP, các chủ thể không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Qua đó, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM; hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên