Ôn định thị trường ngoại hối: Những giải pháp căn cơ phải được thực thi

Cập nhật: 28-03-2011 | 00:00:00

Hạn chế huy động và cho vay ngoại tệ, thu hẹp đối tượng vay USD, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ và đặc biệt nếu vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật (USD)... là những thông điệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát đi trong thời gian gần đây nhằm thực hiện mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Chuộng giao dịch bằng USD!

Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh máy vi tính, showroom ô tô, trung tâm làm đẹp, trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TX.TDM, thị xã Thuận An cho thấy, rất nhiều sản phẩm, dịch vụ, chương trình học đều được báo giá bằng USD. Tại một trung tâm chăm sóc da trên đường Yersin, TX.TDM, giá sản phẩm làm trắng da mặt, mắt được niêm yết cả hai mức giá 185 USD và 4.007.000 đồng. Nhân viên cửa hàng cho biết, đây là sản phẩm nhập khẩu bằng USD nên giá bán phải tính bằng USD, giá niêm yết tiền VND có thể tăng, giảm tùy thời điểm khi có biến động tỷ giá VND/USD. Tại Trung tâm Anh ngữ Aptech (đại lộ Bình Dương, TX.TDM), hầu hết các khoản học phí đều được công khai báo giá bằng USD hoặc quy ra từ USD khi học viên đóng học phí. Một chương trình đào tạo ACNA chuyên viên quản trị mạng quốc tế, khóa học 6 tháng 390 USD (tương đương khoảng trên 8 triệu đồng). Lý do đưa ra hết sức đơn giản, giáo viên đạt “chuẩn” nước ngoài (!?), chương trình học cũng của nước ngoài, tiền lương, thuê mặt bằng được tính bằng USD nên họ phải thu phí bằng USD.

 

Lãi suất huy động USD đang hạ nhiệt bởi tác động của định hướng chuyển dần các giao dịch huy động cho vay ngoại tệ sang giao dịch mua bán ngoại tệ mà HNNN đưa ra

Việc các cá nhân sử dụng ngoại tệ để niêm yết giá đã đành, các tổ chức cũng vào cuộc như hệ thống nhắn tin 9191 của Vinaphone, quảng cáo gói truyền dữ liệu không giới hạn U1 Roaming tại các mạng TrueMove (Thái Lan), StarHub (Singapore), KT (Hàn Quốc)... cũng báo giá không quá 10 USD/ngày, thuê bao trả sau của Vinaphone có thể thoải mái sử dụng dịch vụ nêu trên.

Tâm lý chuộng USD để giao dịch, thanh toán ngày càng trầm trọng đến mức thực tế có những hợp đồng làm ăn hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài, cũng không phải sử dụng USD để xuất, nhập khẩu nhưng cũng chọn USD để thanh toán. Một chủ Spa trên đường Yersin, TX.TDM cho biết, cách đây 2 năm chị đã ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, giá 1.000 USD/tháng, chủ nhà nhất định phải thanh toán bằng USD, nay giá thuê sắp tăng thêm, thu không đủ bù chi. Quá mệt mỏi vì hàng tháng phải tìm mua USD, nhất là tỷ giá trên thị trường tự do liên tục tăng, chị đành chọn giải pháp dọn đến điểm khác kinh doanh, chủ Spa này than thở.

Hóa giải tâm lý nắm giữ USD

Một trong những giao dịch bằng USD khá phổ biến là lĩnh vực bất động sản, showroom ô tô thậm chí là chén súp hay tô mì tại các nhà hàng cũng được niêm yết giá bằng USD. Giám đốc Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chi nhánh Bình Dương Lê Vũ Thủy cho rằng, lý do giao dịch, định giá hay niêm yết giá bằng USD, ngoài việc VND dễ bị trượt giá, còn do một bộ phận không nhỏ người dân thể hiện tư tưởng sính ngoại nên chọn USD để giao dịch. Bên cạnh đó, điểm thu đổi ngoại tệ cho ngân hàng biến thành điểm kinh doanh ngoại tệ, người dân được thoải mái giao dịch, mua hoặc bán USD từ vài mươi USD đến hàng chục ngàn USD cũng không khó, đang làm cho tình trạng đô la hóa ngày càng trầm trọng. Theo vị giám đốc này, tình trạng khan hiếm USD, đột biến tỷ giá trong thời gian qua thực chất là không phải mất cân đối trong hệ thống NH mà do tâm lý găm giữ ngoại tệ trong một bộ phận không nhỏ dân chúng và các tổ chức. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt gây ra những tác động không nhỏ tới nền kinh tế (mất cân đối USD, đột biến tỷ giá) cũng như khó khăn cho công tác điều hành quản lý thị trường tiền tệ, ông Lê Vũ Thủy nói

Thống kê của NHNN chi nhánh Bình Dương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2011, lượng ngoại tệ gửi trong các TCTD đạt gần 6.400 tỷ đồng (đã quy đổi), chiếm 13%/tổng vốn huy động, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong vài ngày gần đây, lượng ngoại tệ USD huy động tại các NHTM có xu hướng tăng nhanh, một phần do người gửi tiền tranh thủ gửi hưởng lãi suất cao và do cơ quan chức năng đang mạnh tay “siết” chặt những biểu hiện kinh doanh trôi nổi trên thị trường tự do. Tuy nhiên, nghịch lý dù huy động ngoại tệ ở nhiều NH tăng cao nhưng số ngoại tệ bán lại cho NH không tăng nhiều, dẫn đến tình hình căng thẳng nguồn USD tại các NHTM vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc NH Ngoại thương (VCB) chi nhánh Bình Dương Nguyễn Đình Phục cho biết, theo hợp đồng NH cho vay tài trợ vốn lưu động 12 triệu USD với Tổng Công ty TM - XNK Thanh Lễ, cách đây 6 tháng, NH sẽ cung ứng USD khi DN thanh toán. Cho đến nay, đã đến hạn thanh toán nhưng NH không mua được USD để bán cho DN thanh toán khoản vay mà hợp đồng tín dụng đã ký. Trong khi đó, về phía Tổng Công ty TM - XNK Thanh Lễ cũng đã cố gắng tìm mua USD, chấp nhận mua USD với giá cao tại các địa phương khác nhưng nguồn USD cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán, ông Phục nói

Tìm giải pháp cho thị trường ngoại tệ

Để giải quyết tình trạng đô la hóa hiện nay, theo Giám đốc PG Bank chi nhánh Bình Dương Lê Vũ Thủy, Nhà nước cần xóa bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân. Phải tìm cách tận dụng nguồn ngoại tệ này phục vụ phát triển kinh tế còn hơn là để nguồn đô la nằm trong sổ tiết kiệm hoặc cất giữ USD tại nhà. Cũng theo ông Thủy, để chống đô la hóa, loại bỏ việc niêm yết giá hoặc định giá bằng USD thói quen giao dịch, cất giữ USD... Nhà nước cần đưa ra những giải pháp kinh tế căn cơ, dài hạn cho thị trường như việc chống nạn USD hai giá, tăng khả năng cung ứng tại NH trong việc giải quyết những nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân, giữ ổn định giá trị tiền đồng cơ chế quản lý ngoại hối phù hợp thực tiễn... Bên cạnh đó, cần có sự thanh tra, kiểm tra gắt gao của cơ quan chức năng và những biện pháp xử lý mạnh tay, ngăn chặn hiệu quả các giao dịch USD trái phép.

THANH HỒNG

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương Nguyễn Phú Cường cho biết, hiện nay, để chống đô la hóa hữu hiệu, Chính phủ, NHNN đang triển khai tích cực thực hiện các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP. Ngoài ra, Nhà nước cũng đang xem xét triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, giúp khơi thông dòng vốn ngoại tệ, quản lý ngoại hối, theo hướng chuyển dần từ quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ trong nước của các NHTM sang quan hệ mua, bán ngoại tệ; tiến hành thu hẹp đối tượng được phép vay USD; các tập đoàn kinh tế, DN xuất khẩu phải cam kết bán hết ngoại tệ lại cho NH khi có nguồn thu. Các nhu cầu ngoại tệ khác đều được chuyển sang hình thức mua, bán.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ sử dụng giải pháp vĩ mô để tăng tỷ lệ dự trữ đô la Mỹ, tránh tăng tỷ giá mạnh dẫn đến tâm lý dự trữ đô la và đa dạng hóa ngoại tệ cho mua bán ngoại tệ theo nhu cầu. Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tránh lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu tiếp theo là nâng cao chất lượng dịch vụ tại các TCTD, mở rộng thêm các tiện ích, mở thêm nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại các sân bay, cửa khẩu để tăng tỷ lệ quy đổi tiền VND với số lượng ngoại tệ lớn... ông Nguyễn Phú Cường nói.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên