Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng hàng loạt chỉ số kinh tế tích cực để biến nhiệm vụ chính trị lớn nhất của Đảng Dân chủ thành lợi thế cạnh tranh trong năm bầu cử đã thất bại sau khi có báo cáo về tình hình lạm phát tồi tệ hơn dự kiến.
Biến nền kinh tế thành “gia tài” tranh cử
Thời gian qua, giá xăng giảm, số lượng việc làm tăng mạnh và một loạt chiến thắng về mặt lập pháp đã thúc đẩy nỗ lực của đảng Dân chủ Mỹ để duy trì thế đa số ở Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Đã xuất hiện những tín hiệu ban đầu cho thấy biểu đồ lạm phát “đỏ rực” có thể đang hạ nhiệt. Thế nhưng, báo cáo tăng trưởng công bố ngày 13-9 đã dội gáo nước lạnh vào hy vọng của đảng này rằng điều tồi tệ nhất có thể đã ở phía sau. Giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng 0,1%, cao hơn mức giảm dự báo. Lạm phát cơ bản, không tính biến động giá nhiên liệu và thực phẩm tăng 0,6%, gấp đôi mức dự báo. Lạm phát cả năm giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống còn 8,3%, nhưng cũng vượt mức dự báo là 8,1%.
Tổng thống Joe Biden trong buổi vận động tranh cử của đảng Dân chủ tại bang Maryland, hôm 25-8.
Brian Stryker, một đối tác của Đảng Dân chủ tại hãng thăm dò dư luận Impact Research, công ty đã hỗ trợ Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, cho biết Đảng Dân chủ đã đạt được một số bước tiến trong việc xóa bỏ lợi thế mà lạm phát đã mang lại cho Đảng Cộng hòa trong trung hạn. Tuy nhiên, mối đe dọa làm thay đổi chiến lược của ông Biden là khả năng xảy ra một cuộc đình công đường sắt có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như việc giao hàng nông sản và khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hơn 2 tỷ USD/ngày. Chính quyền Biden đang gây sức ép buộc các liên đoàn lao động và các nhà khai thác đường sắt vận chuyển hàng hóa đồng ý ký một thỏa thuận mới.
Một trong những nỗ lực khác của Nhà Trắng nhằm đảo ngược tình thế bất lợi là chuyến thăm của ông Biden hôm 9/9 để dự lễ động thổ nhà máy sản xuất chip máy tính mới ở bang Ohio do Tập đoàn Intel xây dựng. Chuyến đi đã tạo cơ hội cho tổng thống quảng bá Đạo luật CHIP được ban hành hồi tháng trước nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước: “Kể từ khi tôi nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra gần 10 triệu việc làm mới, trong đó có hơn 668.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất - bằng chứng cho thấy “Made in Ohio” và “Made in America” không chỉ là khẩu hiệu. Hiện nó đã trở thành thực tế và chỉ mới bắt đầu”.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng phần nào đánh lạc hướng dư luận khỏi nền kinh tế trong những tuần gần đây để làm nổi bật mối đe dọa mà ông cho rằng đảng Cộng hòa đang gây ra cho nền dân chủ. Stryker thuộc Impact Research cho rằng đảng Dân chủ nên đặt mục tiêu như hồi năm 2012, khi Tổng thống Barack Obama thuyết phục thành công cử tri bỏ qua nhược điểm kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp cao và bỏ phiếu cho ông thêm nhiệm kỳ thứ hai.
Theo kết quả thăm dò của Viện Gallup, xếp hạng tín nhiệm của ông Biden đã tăng 6 điểm phần trăm lên 44% vào cuối tháng 8 - mức cao nhất trong một năm. Mặc dù tỷ lệ tán thành cách xử lý nền kinh tế của ông vẫn ở mức rất thấp nhưng tỷ lệ người Mỹ coi lạm phát là mối quan tâm hàng đầu trong năm bầu cử giữa nhiệm kỳ đã giảm từ 37% xuống còn 30%, theo cuộc khảo sát hôm 8-9 của NPR/PBS News Hour/Marist. Theo đánh giá của Doug Sosnik, cựu Giám đốc chính sách Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, những chiến thắng lập pháp gần đây của ông Biden “có ý nghĩa cả về bản chất và chính trị, đã cải thiện đáng kể mức độ ủng hộ dành cho ông trong công việc điều hành đất nước”.
“Gáo nước lạnh” vào khả năng tái đắc cử
Tuy nhiên, ít lời xì xào không có nghĩa là không có. Mới đây, Hạ nghị sĩ Tim Ryan, ứng cử viên của đảng Dân chủ vào ghế Thượng viện, khi trả lời câu hỏi về việc ông Biden có tranh cử nhiệm kỳ thứ hai hay không, đã nói: “Linh cảm của tôi là chúng ta cần có những gương mặt mới trong ban lãnh đạo - cả Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc để chuyển giao thế hệ”. Ryan cũng nói thêm: “Tổng thống ngay từ đầu đã nói rằng ông ấy sẽ trở thành cầu nối cho thế hệ tiếp theo”.
Trên thực tế, ông Biden đã tự tạo dựng hình ảnh mình như một cầu nối. Tháng 3-2020, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ dẫn đến việc phong tỏa, ông Biden khi đang vận động tranh cử cùng Thượng nghị sĩ bang California lúc bấy giờ là Kamala Harris, đã tuyên bố ông “coi mình như một cầu nối chứ không phải bất cứ thứ gì khác. Một thế hệ lãnh đạo mà bạn thấy đang đứng sau tôi. Họ là tương lai của nước Mỹ”. Điều đáng chú ý ở đây là ông Biden đã không đề cập cây cầu đó sẽ tồn tại 4 hay 8 năm. Nước Mỹ vừa trải qua 4 năm hỗn loạn dưới thời ông Donald Trump và ông Biden, với hồ sơ lý lịch tốt, được xem là một nhà lãnh đạo ôn hòa, đáng tin cậy.
Tim Ryan cũng không phải là thành viên duy nhất trong đảng Dân chủ bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tái đắc cử của ông Biden. Cuối tháng 7 vừa qua, Hạ nghị sĩ bang Minnesota Dean Phillips tuyên bố: “Tôi nghĩ đất nước sẽ được phục vụ tốt bởi một thế hệ năng động, hấp dẫn, được chuẩn bị tốt để tiến lên”. Hồi đầu tháng 8, Hạ nghị sĩ bang New York Carolyn Maloney cũng nói rằng bà “không tin ông Biden sẽ tái tranh cử” (tuy nhiên sau đó bà đã xin lỗi và nói muốn ông Biden làm điều đó). Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Angie Craig đến từ bang Minnesota thẳng thắn hơn: “Tôi muốn nói rằng chúng ta cần các nhà lãnh đạo mới ở Washington theo đúng kết quả của quy trình bỏ phiếu trong đảng Dân chủ”.
Những nghi ngờ đó được lặp lại trong các cuộc thăm dò. Theo khảo sát do tờ New York Times và Sienna College phối hợp tiến hành hồi tháng 7, khoảng 2/3 cử tri Dân chủ cho biết họ thích một nhân vật khác trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này vào năm 2024. Đây là tỷ lệ đáng ngạc nhiên. Nhưng, cũng nhắc lại rằng, đó là kết quả từ 2 tháng trước. Và, triển vọng chính trị của ông Biden rõ ràng đã được cải thiện kể từ đó. Tuy nhiên, những nhận xét như của Hạ nghị sĩ Ryan sẽ giống như lời nhắc nhở rằng vẫn còn những nghi ngờ đáng kể trong hàng ngũ đảng Dân chủ đối với ông Biden cũng như về khả năng ông tái tranh cử và một lần nữa giành chiến thắng vào năm 2024.
Theo CAND