Ông Bùi Duy Hiền, Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh: Dịch vụ thừa phát lại sắp đi vào hoạt động

Cập nhật: 20-01-2014 | 00:00:00

- Mục đích triển khai mô hình TPL là nhằm tăng cường xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp; qua đó giúp giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án (TA), cơ quan thi hành án (THA), vừa giúp cho người dân chủ động hơn trong việc xác lập, thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như có thêm sự lựa chọn khi có yêu cầu THADS.

TPL tuy đã từng tồn tại ở nước ta song nhìn chung, hiện nay đây vẫn là chế định còn khá mới lạ. Do đó, trong giai đoạn thí điểm chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất theo tôi chính là vấn đề nhận thức của người dân và của cả một

 bộ phận cán bộ Nhà nước về TPL chưa cao. Để đạt được mục đích, ý nghĩa của việc xã hội hóa đối với hoạt động TPL, không chỉ cần sự đầu tư các nguồn lực xã hội cho hoạt động này mà quan trọng hơn, cần có sự phối hợp tích cực và hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia giám sát, quản lý của người dân. Tôi tin rằng, một khi đã hiểu rõ về TPL và những lợi ích của hoạt động TPL, người dân sẽ tích cực hưởng ứng, sử dụng các dịch vụ do TPL cung cấp.

- Xin giải thích thêm về mối quan hệ giữa TPL và văn phòng TPL với các cơ quan Nhà nước?

- TPL là do Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện nhiệm vụ công. Văn phòng TPL tuy hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng là một tổ chức dịch vụ công. Do đó, các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và thực hiện các yêu cầu của TPL theo quy định pháp luật. Ví dụ: Các cơ quan, đơn vị như ngân hàng, văn phòng đăng ký QSDĐ, công an… có trách nhiệm phối hợp với TPL như với chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, tạm giữ hoặc tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch tài sản; cưỡng chế THA… Các cấp huyện, xã có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình trạng đăng ký tài sản (ô tô, xe máy, nhà, đất…) cho TPL để phục vụ cho việc lập vi bằng, xác minh điều kiện THA. Ngoài ra, UBND và công an cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ cho TPL trong việc tống đạt văn bản của TA và cơ quan THADS.

- Vi bằng là gì? Mục đích của việc lập vi bằng? Mọi vi bằng có thể được xem là chứng cứ khi có tranh chấp xảy ra hay không, thưa ông?

- Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi thực tế, được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Ví dụ như: một hoặc các bên có thể yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền khi chuyển nhượng QSDĐ. Hoặc nếu phát hiện các báo điện tử hoặc trang mạng xã hội đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình, người dân có quyền yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận sự việc đó để làm chứng cứ khởi kiện yêu cầu xin lỗi, bồi thường, kể cả khi thông tin đó đã bị xóa hoặc bị thay đổi.

Vi bằng được xem là chứng cứ TA xem xét khi giải quyết vụ án khi được lập theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định thì TPL có quyền lập vi bằng về mọi sự kiện, hành vi, trừ trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Ngoài ra, vi bằng chỉ được xem là hợp lệ khi đã được đăng ký tại Sở Tư pháp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng.

- Thưa ông, chi phí cho dịch vụ TPL được quy định ra sao? Muốn tìm hiểu, liên hệ dịch vụ này thì mọi người phải đến đâu?

- Chi phí tống đạt do TA và cơ quan THADS trả, trừ những trường hợp việc tống đạt mà pháp luật quy định đương sự phải chịu chi phí. Đối với việc THA, mức thu chi phí theo mức phí THADS do pháp luật về phí THADS quy định. Đối với lập vi bằng và xác minh điều kiện THA, chi phí do các bên thỏa thuận tùy theo tính chất công việc, thời gian và địa điểm thực hiện.

Hiện nay Sở Tư pháp Bình Dương đang tiến hành các thủ tục thành lập 4 Văn phòng TPL trên địa bàn: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Tân Uyên. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý I-2014. Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ công bố rộng rãi thông tin về các Văn phòng TPL, các quy định về TPL trên website của Sở Tư pháp và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiện việc liên lạc, tìm hiểu và sử dụng dịch vụ.

THỦY TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=591
Quay lên trên