Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh: Phát triển khu công nghiệp, nâng tầm chất lượng đầu tư

Cập nhật: 18-03-2022 | 07:01:26

29 khu công nghiệp (KCN) được thành lập và đi vào hoạt động đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương. Đến nay, việc xây dựng và phát triển hệ thống các KCN tiếp tục được tỉnh quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Trao đổi với Báo Bình Dương, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết để thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư phát triển hạ tầng KCN theo quy hoạch, ưu tiên các KCN chất lượng cao để tạo dộng lực tăng trưởng mới.

- Đến thời điểm này, tình hình triển khai thực hiện các KCN của tỉnh đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

- Xác định phát triển công nghiệp là hướng đi chủ lực, Bình Dương đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy hoạch các KCN và mời gọi đầu tư nước ngoài từ rất sớm. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã bứt phá ngoạn mục. Từ một tỉnh thuần nông trở thành một địa phương phát triển nhanh chóng về công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Sự phát triển ấy đến từ việc tập trung xây dựng các KCN của tỉnh.

Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN, trong đó nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP I, TP.Thuận An

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh là 33 KCN. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 12.670 ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.624 ha. Các KCN đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.836 ha, tỷ lệ lấp đầy 89,98%; 2 KCN đang chuẩn bị khởi công là Việt Nam - Singapore III (VSIP III) và Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700 ha. Tất cả 29 KCN của tỉnh đều được triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

- Việc hình thành và phát triển các KCN tại Bình Dương thời gian qua có ý nghĩa như thế nào trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh, thưa ông?

- Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Chính nhờ vậy mà Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng, tạo nên những KCN hiện đại, đồng bộ, hoạt động hiệu quả.

Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại - dịch vụ và đô thị phát triển theo. Các KCN của tỉnh đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Hiện các KCN trong tỉnh đã thu hút 2.342 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 26 tỷ đô la Mỹ, 672 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 86.810 tỷ đồng. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung. Không chỉ thu hút vốn, các KCN còn đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành kiểm tra địa điểm và công tác chuẩn bị tổ chức lễ khởi công Khu công nghiệp VISIP III, sáng 16-3. Ảnh: QUỐC CHIẾN

- Được biết, năm 2022 Bình Dương tăng tốc, nhanh chóng mở rộng diện tích các KCN, tỉnh sắp có thêm 2 KCN mới là VSIP III và Cây Trường. Các KCN này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mới, ông có thể cho biết cụ thể?

- Đúng vậy, ngày 19-3- 2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng KCN VSIP III nằm trên địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 1.000 ha. KCN mới này được định hướng thu hút DN sử dụng công nghệ cao, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động. Tiếp đó, trong quý II- 2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng KCN Cây Trường, quy mô 700 ha tại huyện Bàu Bàng. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất, mở rộng KCN Nam Tân Uyên giai đoạn 2, KCN Rạch Bắp…

Ban Quản lý các KCN tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó sẽ tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các KCN thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ban Quản lý cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN. Cùng với đó, tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển 2 - 4 KCN mới giai đoạn 2021- 2025, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Để ngành công nghiệp phát triển căn cơ, nhanh và bền vững, Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện tại, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng KCN khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Đề án Vùng Đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các tập đoàn lớn, nhất là DN khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp giai đoạn hiện nay. Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển các KCN để thích ứng với bối cảnh mới.

NGỌC THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên