Ông giáo già với hành trình 15 năm tìm mộ liệt sĩ

Cập nhật: 03-12-2021 | 08:09:02

Trong mấy tháng cao điểm dịch bệnh, nhờ có thời gian rảnh ngồi ở nhà sưu tập tư liệu, đăng tải hình ảnh mộ liệt sĩ (LS) lên trang web và Facebook cá nhân, ông Nguyễn Sĩ Hồ, một giáo viên về hưu ở thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đã giúp đồng đội và gia đình LS tìm được hàng trăm ngôi mộ LS. Trong hành trình 15 năm đi tìm mộ LS, ông giáo già này đã giúp hơn 10.000 gia đình LS tìm được mộ người thân.


Ông Nguyễn Sĩ Hồ trong một lần chụp lại ảnh bia mộ LS tại Nghĩa trang LS huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh

Vững niềm tin

Dưới cái nắng như thiêu đốt tại các nghĩa trang LS ở Tây Ninh, Bình Thuận, Quảng Trị... những người chăm sóc mộ phần nhìn thấy một ông già quên cả ăn, người mướt mồ hôi rảo bước khắp cả ngàn khu mộ để chụp ảnh. Có người còn bảo: “Chắc ông ấy bị khùng, mộ nào cũng chụp để làm gì...”. Có nhiều nghĩa trang LS, khi ông tìm đến chụp ảnh thì không được cho vào, dù trước đó đã xin phép chính quyền. “Có hôm tôi đang chụp ảnh thì có người đến mời ra ngoài. Tôi giải thích đủ lời họ cũng không đồng ý, còn đòi tịch thu máy ảnh. Có những nơi vì quá khó, tôi tranh thủ lúc nghĩa trang vắng người, leo rào vào bên trong để ghi lại hình ảnh”, ông giáo già Nguyễn Sĩ Hồ nhớ lại vô vàn kỷ niệm trong những chuyến đi.

15 năm qua, đôi chân ông rảo khắp các tỉnh từ miền Trung, Tây nguyên đến tận Đất mũi Cà Mau, Hà Giang, Bắc Giang... Có những lúc sức khỏe yếu, cộng với khí hậu khắc nghiệt, ông ngã bệnh khi vừa đặt chân đến nơi. Nhưng chỉ vài hôm sau, khi thấy sức khỏe tạm ổn, ông lại tiếp tục hành trình quên cả ăn. “Ngày trước, thời gian không có nhiều, tôi chỉ tranh thủ 3 tháng nghỉ hè để đi. Mỗi chuyến đi như thế tốn kém không ít tiền bạc nên tôi phải tranh thủ từng phút để ghi lại hình ảnh. Thứ bảy, chủ nhật thì xách xe máy đi những nơi gần hơn, đó là các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ”, ông Hồ nói.

Bà Lê Thị Lan (vợ ông Hồ), cũng là người đồng hành cùng ông trong những chuyến đi xa nhớ lại: “Đã đi là chấp nhận nắng, mưa, hư xe, thậm chí cả cướp”. Đó là một ngày vào năm 2009, khi 2 vợ chồng lui cui một ngày ở Nghĩa trang LS tỉnh Bình Dương, chụp cả ngàn tấm ảnh, lúc quay về trên đại lộ Bình Dương, chiếc xe máy của 2 tên cướp từ phía sau vọt lên giật lấy túi xách đựng máy ảnh bà Lan cầm trên tay, khiến xe chao đảo. Qua phút hoảng hốt và bình tâm trở lại, bà Lan thì thào: “Nó lấy mất máy ảnh rồi anh ơi”. Ông giáo nhẹ nhàng an ủi vợ: “Không sao là tốt rồi, mai mốt mua lại máy khác thường cho người ta”. Đó là chiếc máy ảnh ông mượn của một người bạn.

Khó khăn, gian khổ không ít, nhưng ông Hồ vẫn luôn giữ vững niềm tin. Bước chân ông đã đi qua hơn 1.000 nghĩa trang LS trong cả nước, chụp khoảng 800.000 ảnh mộ để đăng tải lên trang web nguoiduado.vn và trang Facebook của ông; mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt truy cập, tìm mộ LS. Ông Hồ cho hay, đi chụp ảnh đã lắm gian nan, việc truy tìm hồ sơ từng phần mộ còn khó hơn gấp bội. Dựa trên những ảnh mộ chỉ có họ tên mà không rõ quê quán, đơn vị công tác... ông Hồ phải tìm xin tất cả hồ sơ từ các đơn vị quân đội trên cả nước để dò tìm, trả lại đúng thông tin mộ cho LS.

Mỗi ngày, ông ngồi trên máy từ 10 đến 12 giờ để tìm và đăng tải những mộ phần mình tìm được. “Những tháng dịch bệnh, có hôm tôi ngồi 15 giờ mỗi ngày trên máy, tìm được hàng trăm mộ. Bên cạnh đi chụp ảnh, tôi còn giúp gia đình LS bốc mộ, làm hồ sơ và nhiều việc khác phải giải quyết. Những gia đình LS khó khăn, tôi giúp luôn bốc mộ đưa về quê, họ không tốn đồng nào”, ông Hồ tâm sự.

Hạnh phúc thầm lặng

Dù vất vả không kể xiết, nhưng bù lại, ông Nguyễn Sĩ Hồ tìm được niềm vui, hạnh phúc trong việc làm ý nghĩa của mình khi nhìn thấy bao hạnh phúc và những dòng nước mắt tuôn trào của các gia đình LS. Đó là những người con từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành chưa một lần gặp cha, mòn mỏi trông chờ có ngày tìm được phần mộ của cha mình; những người cha, mẹ và người thân của các gia đình LS khác với niềm tin sẽ có ngày tìm thấy phần mộ, đưa các anh về với quê hương. Chứng kiến bao niềm hạnh phúc vỡ òa, xúc động ấy, ông giáo già như được tiếp thêm động lực, sức mạnh để ngày mai, ngày kia tiếp tục hành trình băng núi, vượt rừng...


Ông Nguyễn Sĩ Hồ (trái) đã tìm và trả lại đúng phần mộ liệt sĩ cho hàng ngàn gia đình LS

Điển hình như ngày tìm được phần mộ của LS Lê Văn Huấn (quê tỉnh Quảng Bình, đơn vị Trung đoàn 271) tại Nghĩa trang LS huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Dù ông Hồ đã làm công tác tư tưởng, khuyên nhủ anh Lê Văn Lâm, người con trai LS Huấn không quá xúc động, hãy bình tĩnh, thế nhưng khi vừa đến nơi, nhìn thấy cảnh anh Lâm ôm mặt khóc nức nở, nằm vật vã xuống nền bê tông dưới cái nắng trưa, ông không kìm được nước mắt. Ông Hồ kể, khoảng năm 1973, LS Huấn về quê thăm gia đình sau khi đã hoàn thành chiến dịch mở đường mặt trận 5B. Đó là chuyến về thăm nhà cuối cùng của LS Huấn và anh Lâm sinh ra chưa một lần được nhìn thấy bố.

Việc làm ý nghĩa xuyên suốt 15 năm qua của ông Hồ bắt nguồn từ ngày ông đi tìm mộ của anh trai mình. Anh trai ông Hồ là LS Nguyễn Đăng Khoa, đi bộ đội năm 1969, chiến đấu và hy sinh ở chiến trường miền Nam, nhưng giấy báo tử chỉ ghi chung chung là hy sinh ngày 15-10-1972 tại mặt trận phía Nam. Không có thông tin gì về mộ chí, suốt hơn 30 năm, ông Hồ và gia đình không ngừng tìm kiếm, dò hỏi về anh mình, nhưng không có manh mối. Đến năm 2007, trong lần về quê thăm gia đình, ông tình cờ tìm được tờ giấy khen của anh trai do ông Nguyễn Đình Ích, Thủ trưởng Trung đoàn 271 ký. Tìm hiểu, ông được biết Trung đoàn 271 hiện đóng quân ở huyện Phú Giáo.

Trở về Bình Dương, ông tìm đến Trung đoàn 271 hỏi thông tin về anh trai và bắt đầu có manh mối. Từ thông tin cơ bản, ông đã đi đến nhiều nghĩa trang lại tỉnh Long An, gặp hết người này đến người khác. Ngày ông gặp được nhân chứng sống, khẳng định 7 ngôi mộ không tên trong Nghĩa trang LS huyện Đức Huệ có anh trai mình; đồng thời trải qua quá trình giám định ADN, xác định được phần mộ, ông và gia đình vỡ òa trong hạnh phúc... Từ đây, ông bắt đầu có suy nghĩ lập trang web để giúp bao gia đình LS khác.

Có người bán tín bán nghi cho rằng ông giáo Hồ khổ cực đi tìm mộ LS chắc ít nhiều cũng nhận được thù lao, sự trả ơn, đặc biệt là từ những gia đình khá giả. Nhưng ông giáo Hồ khẳng định, với gia đình LS thì một đồng trả ơn ông cũng không nhận mà chỉ giúp thêm. Không những thế, 3 năm nay ông liên kết với một người cháu của mình giúp bốc mộ và đưa về quê miễn phí cho hàng trăm gia đình LS trong cả nước, tặng hàng chục phần quà cho gia đình LS có hoàn cảnh khó khăn. Từ việc làm ý nghĩa trên, năm 2015, ông nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bước chân ông Hồ đã đi qua hơn 1.000 nghĩa trang LS trong cả nước, chụp khoảng 800.000 ảnh mộ để đăng tải lên trang web nguoiduado.vn và trang Facebook của ông; mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt truy cập, tìm mộ LS. Trong hành trình 15 năm đi tìm mộ LS, ông Hồ đã giúp hơn 10.000 gia đình LS tìm được mộ người thân.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1591
Quay lên trên