Tính đến cuối năm 2015, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Bình Dương đã đạt thành tựu to lớn: tỉnh đã công nhận 32 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn NTM”, đã lập hồ sơ trình Thủ tướng công nhận 2 huyện, thị xã (Dầu Tiếng và Tân Uyên) đạt chuẩn huyện NTM.
Nông dân trang trại ông Nguyễn Hữu Vận (Phước Hòa, Phú Giáo) đang chiết cành bưởi da xanh ruột hồng không hạt để nhân rộng mô hình
Phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi trao đổi với ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh, về thành tựu và giải pháp thực hiện chương trình.
- Xin ông cho biết thành quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững ở Bình Dương năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016.
- Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, do thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là giá mủ cao su giảm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của một bộ phận lớn nông dân; biến đổi khí hậu cũng tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp.
- Trong điều kiện đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất như: thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân; tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong đó, tập trung quy hoạch các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung quy mô lớn tại các huyện phía Bắc, vùng phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao ở khu vực phía Nam, gắn với triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ vốn, tiếp cận khoa học công nghệ (thời gian qua UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành rất nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông thôn).
- Cùng với sự tác động của Nhà nước, tư duy của nông dân, trang trại luôn đổi mới, nắm bắt kịp thời các tiến bộ kỹ thuật nhu cầu thị trường để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.
- Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 của tỉnh vẫn tăng 4% (cả nước tăng 2,62%); riêng thống kê 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh tăng 3,9% (cả nước giảm 0,78%). Đây là nỗ lực lao động rất lớn của nông dân, doanh nghiệp.
- Hiện tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 2.304,9 ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 109,57 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.
- Chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển, gồm có 109 trang trại (bao gồm 9 công ty) đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 5,39 triệu con; có 111 trang trại (bao gồm 5 công ty) đầu tư nuôi heo thịt, heo giống năng suất cao với tổng đàn 400.630 con. Ngoài ra, có 458 hộ đầu tư sản xuất các mô hình nông nghiệp đô thị với số lượng khoảng 252.214 con các loại (chủ yếu là cá cảnh, cá sấu, ba ba, chim yến, trĩ, nhím, rắn).
- Với vai trò Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Bình Dương. Xin ông cho biết thành tựu của chương trình?
- Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho dân cư nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
- UBND tỉnh xác định xây dựng NTM phải đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lộ trình phát triển đô thị của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, thực hiện các chương trình MTQG, các dự án đầu tư vào nông thôn phải phù hợp theo các tiêu chí NTM đối với các xã nông thôn; riêng đối với các xã được quy hoạch nâng cấp lên phường, thị trấn phải đầu tư theo các tiêu chí đô thị, quy hoạch đô thị được phê duyệt.
- Qua tổng kết thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, với sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực; bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khang trang và hiện đại. Đến cuối năm 2015, 100% nhà đạt chuẩn, không còn nhà tạm, dột nát; 99,98% hộ dân nông thôn có sử dụng điện lưới quốc gia, điện cho sản xuất và dịch vụ ở nông thôn được bảo đảm; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa 85,5%; hệ thống thủy lợi bảo đảm yêu cầu tưới và tiêu thoát nước cho sản xuất; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng nâng lên; an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững.
- Xin hỏi thêm ông Thanh. Vậy Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã đề ra giải pháp gì để thực hiện thành công mục tiêu Ban chỉ đạo chương trình đề ra: 100% xã đạt 19 tiêu chí NTM vào năm 2020?
- Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020.
Đối với các xã đã được công nhận “Đạt chuẩn NTM”, cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được (đặc biệt là phải có giải pháp để sử dụng hiệu quả các công trình cơ sở vật chất văn hóa, chợ, trường học, đã được đầu tư), bảo đảm NTM thực sự mang lại môi trường sống tốt đẹp, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao cho dân cư nông thôn, các nhu cầu cầu cơ bản của nhân dân được đáp ứng tốt.
Đối với 17 xã còn lại, tập trung rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch, đề án xây dựng xã NTM phù hợp với điệu kiện thực tiễn, huy động tốt các nguồn lực để tập trung đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã được công nhận “Xã đạt chuẩn NTM”.
Tiếp tục, rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh ban hành trong thời gian qua để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; bổ sung, cụ thể hóa đối với các vấn đề còn thiếu, nhằm huy động tối đa các nguồn lực của xã hội đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (nhất là các cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa trong đầu tư cung cấp nước sạch nông thôn, chợ, giáo dục, y tế), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất cho dân cư nông thôn.
Thực hiện tốt các giải pháp phát triển công nghiệp, đô thị gắn với xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng “nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững”, tăng cường quốc phòng - an ninh.
Xin cảm ơn ông!
BẢO ANH (thực hiện)