Đó là một trong những hiệu quả mà chiến dịch (CD) Tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) đã mang lại. Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết:
Ngành y tế và các ngành giám sát CD tổng vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh SXH, bệnh TCM trên địa bàn phường Phú Lợi, TP.TMD trong những đợt trước
- SXH và TCM là hai bệnh do vi-rút gây ra, hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy dễ phát triển thành dịch. Việc chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, muỗi vằn và vệ sinh khi chăm sóc trẻ em chính là các biện pháp tích cực trong phòng bệnh, phòng dịch. Vì vậy, từ năm 2011, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo cho các sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp triển khai thực hiện CD Tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH và TCM. Kết quả CD từ năm 2011 đến năm 2013 rất rõ rệt: Tỷ lệ mắc SXH và TCM giảm khoảng 30%, các chỉ số về côn trùng, vật chứa nước có lăng quăng… đều giảm sau khi thực hiện CD. Đây là kết quả mang tính chiến lược trong phòng chống bệnh SXH và TCM trên địa bàn tỉnh. Việc giảm trường hợp mắc bệnh sẽ kéo theo việc giảm các trường hợp bệnh nặng và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh. Ngoài ra, qua các đợt CD, ý thức phòng chống bệnh SXH và TCM của cán bộ và nhân dân cũng được nâng cao, dần dần tạo thành thói quen trong thực hiện vệ sinh môi trường phòng chống 2 loại bệnh này.
- Xin ông cho biết rõ hơn về những hoạt động chính của CD năm nay? So với những năm trước CD năm nay có điểm gì mới, thưa ông?
- Thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 16-4- 2014 của UBND tỉnh Bình Dương, CD năm nay sẽ đồng loạt diễn ra tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong tháng 6 và tháng 8-2014. CD được tổ chức làm 2 đợt, mỗi đợt 2 vòng, mỗi vòng 2 ngày (thứ bảy và chủ nhật). Cụ thể: Vòng 1 - đợt I vào ngày 7 và 8-6-2014, vòng 2 - đợt I vào ngày 14 và 15-6-2014; vòng 1 - đợt II vào ngày 9 và 10-8- 2014, vòng 2 - đợt II vào ngày 16 và 17-8-2014.
CD năm nay bao gồm những hoạt động, như: Truyền thông, vãng gia, huy động cộng đồng, giám sát chiến dịch, điều tra côn trùng và theo dõi tình hình dịch bệnh... Tuy nhiên, CD năm nay có một số điểm khác, đó là thời gian chuẩn bị cho các đơn vị tham gia khá dài giúp các đơn vị chủ động hơn, sẵn sàng hơn để thực hiện CD, do đó khả năng sẽ mang lại kết quả cao hơn. Thời điểm được chọn để triển khai CD rơi vào dịp các trường đều đã nghỉ hè. Tuy vậy, ngành y tế cũng đã chủ động phối hợp cùng ngành giáo dục - đào tạo triển khai truyền thông và thực hiện vệ sinh môi trường tại các trường học trước khi nghỉ hè, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh SXH và TCM cho cán bộ, giảng viên và các cháu học sinh. CD năm nay triển khai trùng vào thời điểm tổ chức Ngày ASEAN phòng chống SXH (từ 9 đến 22-6-2014) và kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5-6). Các sự kiện này có tác động lẫn nhau, sẽ làm tăng thêm hiệu quả của CD. Ngoài ra, Bình Dương vừa mới chia tách thêm 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên, cơ sở vật chất, nhân lực tại các đơn vị mới còn thiếu thốn, do đó có thể ảnh hưởng đến kết quả CD tại các địa phương này. Ngoài ra, do chia tách thêm 2 huyện nên kinh phí cấp cho CD năm nay cũng tăng thêm so với các năm trước.
- Đây cũng là thời điểm bệnh SXH, TCM phát triển mạnh, CD trên sẽ góp phần như thế nào trong việc phòng chống 2 bệnh truyền nhiễm này trong cộng đồng, thưa ông ?
- Như đã nói ở trên, sau mỗi đợt CD, tình hình mắc bệnh SXH và TCM giảm rõ rệt (khoảng 30%), tác động tích cực làm giảm số mắc bệnh nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
Mặc dù thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh SXH và TCM phát triển mạnh, tuy nhiên với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, kinh phí, hóa chất, trang thiết bị... tôi tin tưởng rằng, năm nay CD sẽ thành công tốt đẹp, mang lại hiệu quả phòng chống dịch bệnh SXH và TCM cao hơn những năm trước đây.
- Xin cảm ơn ông!
HỒNG THUẬN (thực hiện)