Ông Huỳnh Văn Tấn: Người cán bộ giàu tình cảm và lòng nhân ái

Cập nhật: 14-08-2012 | 00:00:00

Mặc dù đã biết ông mắc bệnh nặng từ nhiều năm nay nhưng khi nghe tin ông ra đi nhiều người thân, bạn bè, đồng chí đã không khỏi bất ngờ. Cả cuộc đời của ông gắn liền với những ngày tháng đấu tranh cách mạng và dựng xây đất nước. Ông chính là Bảy Tấn tức Huỳnh Văn Tấn (Huỳnh Văn Dò), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Thủ Dầu Một, nay là thành phố Thủ Dầu Một.

Không ngại khó khăn

Qua lời kể của một số cán bộ lão thành cách mạng, những người đồng đội một thời vào sinh ra tử với ông, có thể nhận ra ông là người cán bộ có tâm và đầy nhiệt huyết. Khó có thể kể hết công lao của ông bằng một vài lời. Mất cha mẹ từ thuở nhỏ nhưng bằng cảm nhận bản thân, ông một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng, kiên trung với con đuờng mình đã chọn. Sau nhiều lần bị giặc bắt, trốn thoát, khoảng những năm 1960, ông đã không ngại vất vả, hiểm nguy, băng rừng lội suối làm công việc giao liên do cấp trên giao phó. Có sức khỏe trời phú, bước chân ông ngày ấy giẫm khắp các cánh rừng từ Tân Phước Khánh đến Vĩnh Tân, Phú Chánh... Do đi nhiều, ông thuộc nằm lòng từng quả đồi, con suối. Ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), cán bộ lão thành cách mạng, một người đàn anh thế hệ ông Bảy kể: “Lúc đó tôi làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành, mỗi lần chuyển giao thư từ đến các chiến sĩ, tôi thấy tin tưởng tuyệt đối khi giao thư cho anh Bảy Tấn. Trên tuyến đường từ Vĩnh Tân đến Phú Chánh... ông Bảy có đào 3 hầm bí mật rất kiên cố, nên dù giặc có tuần tra cũng khó mà phát hiện được.

 Đồng đội, bạn bè thân hữu đến chia buồn cùng gia đình ông Bảy Tấn

Ông Một Hữu kể, sau một thời gian làm giao liên, tôi nhận thấy đồng chí Bảy là một cán bộ có chiều sâu và biết mở rộng vấn đề nên làm việc gì cũng thành công, có triển vọng. Vì thế, tôi xin đồng chí về làm Trưởng ban Bảo vệ giao liên Văn phòng Huyện ủy Châu Thành, phụ trách thêm công việc tại các lớp bình dân học vụ. Các lớp học này chủ yếu mở trong rừng, dạy chữ cho các chiến sĩ. Để tránh bị phát hiện khi phải khuân vác nước về phục vụ các lớp học, đồng chí đã nghĩ ra cách đào giếng tại chỗ để lấy nước khá tài tình. Một giếng như thế sâu từ 13 - 15m mà đào cuốc thì dễ bị địch phát hiện, đồng chí đã dùng duy nhất một cây xà beng thọt từ ngày này sang ngày khác, hết giếng này đến giếng nọ một cách cần mẫn. Cũng nhờ thế mà công việc học tập đỡ đi phần vất vả khi phải đi lấy nước uống. Tôi đặt cho anh ấy cái tên Bảy Thọt cũng từ đó.

Cho đến giờ tôi vẫn mãi không thể quên 2 cái máy đánh chữ ở Huyện ủy Châu Thành, lúc đó loại máy này quý lắm. Nhờ bản tính nhanh nhẹn của đồng chí, một lần chúng tôi lợi dụng sự sơ hở trong việc canh gác, đã đột nhập vào một đồn giặc ở chợ Bưng Cầu và trộm được 2 cái máy đó.

 Ông Một Hữu kể về người đồng chí của mình

Khoảng năm 1961, biết đồng chí rất giỏi trong việc ăn nói, dân vận, chúng tôi cử đồng chí về nhận nhiệm vụ này ở các xã Tương Bình Hiệp, Tân An, Tân Định; đồng thời nắm luôn đội võ trang của quận trong việc phá kiềm diệt ác. Về sau, đồng chí được điều về phụ trách Ban Dân vận Huyện ủy Bến Cát. Năm 1975, đồng chí được bổ nhiệm làm Bí thư Thị ủy Thủ Dầu Một, phụ trách hướng Nam trong những ngày giải phóng”.

Nhiều đồng đội, bạn bè, những người một thời cấp dưới của ông nhận xét: Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngại khổ, ngại khó. Họ còn quý ông ở bản tính thật thà, chất phác và luôn biết lắng nghe sự góp ý của tất cả mọi người. Trong những ngày đất nước còn khó khăn, đi đến đâu, ông cũng luôn đốc thúc mọi người nỗ lực làm kinh tế và kịp thời tuyên dương những mô hình hay, sáng kiến giỏi trong sản xuất, chăn nuôi để động viên mọi người; trong lòng họ, ông luôn là một cán bộ mẫu mực.

Nặng nghĩa tình

Nếu như ở cơ quan, đơn vị, ông Bảy luôn “cháy” hết mình cho công việc thì trong gia đình, ông còn là một người chồng, người cha đầy trách nhiệm. Dù rất buồn trước sự mất mát to lớn này, song bà Lê Thị Siệc, vợ ông Bảy vẫn dành chút thời gian để trải lòng kể về người chồng, người bạn đời chung thủy, sắt son của mình.

Bà kể, ba mình làm cách mạng từ thời chống Pháp, ở nhà một tay bà lao động kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em. Những lần chuyển lương thực vào rừng cho ba, bà đã tình cờ gặp ông Bảy. Chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt, bà cảm nhận ông là một người có trách nhiệm, thủy chung, rồi kết bạn. Sau lần gặp mặt đầu tiên vào những năm 1960, những món quà bà đem vào rừng ngày càng nặng thêm, một phần cho ba, một phần cho ông Bảy. Người thân gia đình ai cũng tác hợp, muốn bà làm đám cưới với ông nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bà không đồng ý. Bà cứ nghĩ ông Bảy sẽ chia tay sau quyết định ấy, nào ngờ ông vẫn đợi bà cho đến ngày đất nước thống nhất. Bà tâm sự: Ngày ấy đồng lương chẳng là bao, lần lượt 3 đứa con được sinh ra, cũng nhờ cái nghề sơn mài đã giúp cho bà kiếm được chút ít tiền trang trải.

Khó khăn là thế, nhưng chưa một lần bà mở miệng hỏi chuyện lương bổng của ông. Bởi bà biết khi nói ra điều ấy, liệu ông Bảy có còn toàn tâm toàn ý lo cho sự nghiệp mà ông đã theo đuổi hàng chục năm. Điều đó ông rất thấu hiểu và quán xuyến tất cả mọi việc mỗi khi có dịp về thăm nhà. Những lúc ấy, dù trời có nắng gắt hay mưa dầm ông vẫn cầm cuốc xới đất lật cỏ phụ giúp bà nhiều việc khác nhưng vì quá bận công việc cơ quan nên ông không làm được nhiều việc giúp vợ.

Bà Siệc tâm sự: “Tôi vẫn luôn ghi nhớ lời tâm sự của ông sau ngày về hưu cách đây khoảng 20 năm. Ông ấy bảo sẽ bù đắp cho tôi những vất vả, khó khăn của gia đình, nên không ngại khó khăn lao vào làm kinh tế khi tuổi đã xế chiều”. Nếu trước, ông dũng cảm bao nhiêu trong việc đương đầu với kẻ thù, thì ngày về hưu, ông càng quyết tâm trong lao động, biến rừng thành nương rẫy. Cũng nhờ vậy mà nguồn thu từ nhiều loại cây trồng ngày một tăng, giúp ông nuôi con cái ăn học thành tài. Ông thường quan tâm đến những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và luôn tận tình giúp đỡ họ. Không có tiền bạc, nhưng ông giàu tình cảm, lòng nhân ái, chỉ cho họ những kinh nghiệm làm ăn, truyền cho họ cách vượt khó mà ông từng trải. Cũng vì vậy mà ngày ông ra đi nhiều người đã không quản đường xa đã đến đốt nén nhang như để bày tỏ sự tri ân của mình đối với ông.

TRÍ DŨNG - QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=693
Quay lên trên