Vừa qua, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực được vinh danh là các tỉnh, thành có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu của thế giới (Smart21). Theo đó, Bình Dương chính thức được bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới năm 2019. Trong tiến trình xây dựng TPTM Bình Dương thời gian qua có sự đóng góp tích cực của ngành xây dựng tỉnh nhà. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.
- Vừa qua, Bình Dương đã chính thức được ICF bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới năm 2019. Bình Dương là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ICF. Dưới góc độ xây dựng và phát triển đô thị của ngành xây dựng tỉnh nhà, xin ông cho biết thời gian qua ngành xây dựng đã triển khai những hoạt động gì và thu được kết quả như thế nào?
- Để trở thành TPTM và tham gia vào cộng đồng TPTM thế giới, Bình Dương đã đáp ứng đủ 6 tiêu chí về: Băng thông rộng; lực lượng lao động tri thức; đổi mới; bình đẳng tiếp cận công nghệ số; bền vững và ủng hộ - khích lệ. Đồng hành với quá trình đó, trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, thời gian qua Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị để làm cơ sở xây dựng chương trình phát triển đô thị Bình Dương và chương trình phát triển các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đột phá số 22-CTr/TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”.
Bình Dương đang tập trung phát triển đô thị thông minh. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Theo kế hoạch, ngành xây dựng sẽ có trách nhiệm triển khai một số nhiệm vụ, trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các phần mềm chuyên ngành xây dựng nhằm cung cấp thông tin và quản lý quy hoạch bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn I và có thể được ứng dụng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Giai đoạn II của dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thiện dự án, sớm đưa vào ứng dụng trên khu vực 5 đô thị phía nam gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. GIS sau khi được hoàn thiện sẽ trở thành một bộ phận trong cơ sở dữ liệu khung cho hệ thống đô thị toàn quốc trên nền GIS.
- Thưa ông, sự kiện nói trên có ý nghĩa đồng thời tạo cơ hội và tác động như thế nào đến sự phát triển đô thị thông minh của tỉnh nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói chung?
- Bình Dương đã chính thức được ICF bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới năm 2019. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước tiến trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà. Sắp tới, Bình Dương sẽ ưu tiên mời gọi đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị nhằm hướng tới một đô thị thông minh phát triển theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Từ đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có đủ năng lực đến Bình Dương để đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ và đúng định hướng.
- Ngoài những cơ hội, tác động tích cực đến sự phát triển của Bình Dương, theo ông sự kiện nói trên có mang đến cả những thách thức hay không đối với Bình Dương trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh?
- Bên cạnh những cơ hội, tác động tích cực mang đến cho sự phát triển của Bình Dương, sắp tới chúng ta chắc chắn sẽ đương đầu với những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài nhằm sớm hoàn thiện bức tranh đô thị toàn tỉnh. Trong đó có thể kể đến như việc rủi ro khi lựa chọn nhà đầu tư chưa có uy tín và năng lực thật sự; tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan… Ngoài ra, về góc độ Nhà nước, việc thiếu vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung nhằm tạo động lực để phát triển đô thị.
- Xin ông cho biết, để tiếp tục phát huy những kết quả ngành xây dựng đã đạt được trong việc cùng tỉnh xây dựng TPTM cũng như góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng TPTM của tỉnh, trong thời gian tới ngành xây dựng sẽ có những giải pháp gì?
- Đồng hành với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong thời gian tới ngành xây dựng tỉnh nhà sẽ xác định một số nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, cụ thể là tiếp tục thực hiện dự án xây dựng GIS; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, trước mắt là phát triển chiếu sáng đô thị thông minh, phát triển giao thông thông minh, cấp nước thông minh, thu gom và xử lý rác thải đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, ngành sẽ phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị, hình thành các tiện ích dịch vụ công cộng thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống thường ngày; tăng cường huy động và xã hội hóa bằng nhiều nguồn vốn đầu tư. Cùng với đó, ngành sẽ tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh gắn với từng bước xây dựng nếp sống văn minh đô thị; bồi dường đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về phát triển đô thị thông minh.
- Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG LÊ (thực hiện)