Ông Louis Zacharilla, nhà đồng sáng lập ICF: Hướng đi của Bình Dương rất độc đáo, hiệu quả và đúng đắn

Cập nhật: 23-06-2022 | 08:13:33

Bên thềm sự kiện Vinh danh Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) được tổ chức trong hai ngày 20 và 21-6, đã có nhiều ý kiến, luận điểm được các chuyên gia đưa ra tại các phiên tọa đàm. Tuy nhiên, ấn tượng nhất có thể kể đến nội dung tham luận của ông Louis Zacharilla, nhà đồng sáng lập ICF. Để tìm hiểu sâu hơn, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Louis Zacharilla xung quanh vấn đề đổi mới sáng tạo.

- Ông đánh giá như thế nào về sự nghiệp đổi mới sáng tạo đang diễn ra ở Bình Dương?

- Bình Dương của hôm nay thật sự khác biệt và có nhiều đổi mới so với thời điểm năm 2015 - lần đầu tôi có dịp ghé thăm. Trước khi ghé thăm Bình Dương để kết nạp địa phương vào ICF, tôi đã được một số người bạn chia sẻ khá nhiều thông tin về văn hóa, vùng đất và con người nơi đây. Có thể khẳng định, sự nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với đề án xây dựng thành phố thông minh mà chính quyền, doanh nghiệp và người dân Bình Dương thực hiện từ những năm 2016 đến nay đã có những dấu ấn và thành quả nhất định. Ghi nhận của chúng tôi những ngày qua cho thấy, ở Bình Dương đã có những công trình, dự án đổi mới sáng tạo khá thành công. Với tốc độ đổi mới sáng tạo diễn ra khá nhanh chóng và rộng khắp, tôi tin rằng chỉ trong vài năm tới tỉnh sẽ có thêm nhiều biểu tượng đổi mới sáng tạo tương tự Đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm Điều hành thông minh IOC, Data Center…

Ông Louis Zacharilla (giữa) và đoàn công tác ICF tham quan Trung tâm Hành chính công tỉnh

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự nỗ lực của Bình Dương trong công cuộc đổi mới sáng tạo hiện nay?

- Tôi biết rằng xưa kia Bình Dương là một tỉnh có 96% cơ cấu nền kinh tế là nông nghiệp. Kể từ khi tỉnh thực hiện chính sách thu hút đầu tư gắn liền xây dựng, phát triển mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung, nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc. Sau khi hoàn thành mục tiêu về phát triển kinh tế, tôi tin rằng Bình Dương đang hướng tới một mục tiêu lớn hơn, xa hơn - tương tự điều mà một số thành phố khác trên thế giới đang làm. Và điều khiến tôi ấn tượng với chính quyền, doanh nghiệp và người dân Bình Dương là các bạn luôn “tiên phong mở đường” trước khi những xu thế trở nên thịnh hành. Ngày xưa, các bạn đã nghĩ đến mô hình đô thị công nghiệp tập trung thì ngày nay, các bạn đã mạnh dạn, tiên phong trong công cuộc đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số một cách quyết liệt, mạnh mẽ. Tôi tin rằng, đây là mục tiêu được cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân luôn nung nấu, quyết tâm hướng tới.

- Xu hướng dịch chuyển nền kinh tế - xã hội Bình Dương trong những năm sắp tới như thế nào, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, Bình Dương hiện đang là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh ở Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Mặc dù hiện nay nền kinh tế chủ lực của tỉnh là công nghiệp, nhưng tôi tin rằng tỉnh đang từng bước dịch chuyển nền kinh tế - xã hội sang hướng tri thức. Điều này thể hiện rõ trong quyết tâm xây dựng thành phố thông minh mà tỉnh đã và đang dày công thực hiện. Khi đi tham quan các công trình đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy định hướng phát triển của Bình Dương hiện nay khá tương đồng với bang Ohio (Mỹ). Ohio hiện đang là một địa phương phát triển khá mạnh về mô hình đô thị công nghiệp và đang có xu hướng dịch chuyển sang thương mại - dịch vụ gắn liền kinh tế tri thức. Họ sử dụng khoa học công nghệ như một công cụ để phục vụ con người, giúp con người làm việc, sinh hoạt và hưởng thụ cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Đây cũng là định hướng trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh mà Bình Dương đang hướng đến: Nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững.

- Sự khác biệt giữa Bình Dương và các thành phố khác trong Cộng đồng thông minh thế giới mà ông cảm nhận được là gì?

- Trước khi nói về sự khác biệt, tôi xin chia sẻ điểm chung mà các quốc gia, vùng lãnh thổ luôn hướng tới là tăng trưởng kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái. Sự bùng phát mạnh mẽ về dân cư và sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế đã trực tiếp đặt ra những vấn đề xã hội quan trọng và chúng ta phải tìm cách giải quyết. Trong đó, môi trường là vấn đề cấp thiết cần quan tâm đầu tiên. Tôi rất vui khi biết Bình Dương luôn đặt sự quan tâm hàng đầu đối với vấn đề này và hiện tỉnh đã có một hệ thống giám sát (quan trắc) môi trường tự động hoạt động khá hiệu quả - điều mà nhiều địa phương chưa làm được. Ngoài ra, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, tôi cũng được nghe các vị ấy nói khá nhiều về các nội dung liên quan đến đời sống của cộng đồng dân cư. Tôi tin rằng, chính quyền đang cố gắng làm mọi việc để giúp người dân nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Ngay cả trong mục tiêu, định hướng xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương cũng đặt con người làm trung tâm và khoa học, công nghệ chỉ là công cụ phục vụ con người. Đây là ý tưởng tuyệt vời mà không phải thành phố nào cũng nghĩ đến.

- Xin cảm ơn ông! 

Bình Dương đã tạo ra một môi trường sẵn sàng và việc cần làm bây giờ là tập trung toàn lực để hiện thực hóa những ý định, mục tiêu đã đề ra. Nhìn vào định hướng phát triển, sự hoạt động hiệu quả của những công trình đổi mới sáng tạo hiện có, lịch sử phát triển và quyết tâm của địa phương, tôi tin rằng sự nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh sẽ thành công. Tôi đã nghiên cứu và khảo sát thực tế trên 200 thành phố trên thế giới nhưng phải khẳng định là hướng đi của Bình Dương rất độc đáo, hiệu quả và đúng đắn.

ĐÌNH THẮNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=514
Quay lên trên