Ông Macron đối mặt cuộc điều tra liên quan tới Uber
(BDO) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với một cuộc điều tra của Quốc hội vì những thông tin tiết lộ từ “Hồ sơ Uber” cho rằng ông từng rất nhiệt tình giúp công ty taxi công nghệ Uber vận động hành lang để vượt qua các quy định khắt khe của Chính phủ Pháp, thời ông làm Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ của Tổng thống Francois Hollande.
“Hồ sơ Uber” bao gồm 124.000 tài liệu của công ty taxi công nghệ Uber - được tờ báo The Giardian của Anh và Tổ hợp Các nhà báo điều tra quốc tế (ICJ) thu thập được qua quá trình điều tra - đã hé lộ nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty Uber trong giai đoạn 2014-2016, trong đó nhiều thủ đoạn, mánh khóe của công ty được cho là vi phạm pháp luật, kể cả việc công ty đã được một số chính khách giúp đỡ vận động hành lang trong các cơ quan lập pháp, hành pháp ở Pháp và châu Âu. Trong các hồ sơ này, dư luận đặc biệt quan tâm sự liên quan của ông Macron trong giai đoạn trước khi ông lên làm Tổng thống Pháp, khi đó ông còn là Bộ trưởng Kinh tế. Những cuộc gặp giữa ông Macron với các lãnh đạo Công ty Uber là mấu chốt được dư luận quan tâm mổ xẻ để tìm hiểu xem ông Macron có làm gì sai không khi hỗ trợ Uber vận động chính phủ ban hành chính sách thông thoáng về taxi công nghệ.
Tổng thống Emmanuel Macron được xem là người tiên phong ủng hộ mô hình taxi công nghệ ở Pháp.
Trả lời báo chí hôm 12-7, Tổng thống Macron không chỉ xác nhận việc mình có tham gia hỗ trợ Uber vận động hành lang để Chính phủ Pháp ban hành chính sách có lợi cho Uber, mà còn tự hào về việc mình đã làm và tuyên bố rằng nếu trở lại làm Bộ trưởng Kinh tế như cũ thì vẫn sẽ tiếp tục lặp lại hành động tương tự.
Ông Macron khẳng định, với vai trò Bộ trưởng Kinh tế thì việc ông gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp là một việc bình thường và luôn thực hiện một cách chính thức, công khai, chẳng có việc gì bí mật cả. Trong vai trò của mình, ông Macron khẳng định không chỉ Uber mà ông từng gặp gỡ và làm việc với rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, câu chuyện của Uber có vẻ đặc biệt hơn so với các doanh nghiệp khác vì nó đụng chạm đến vấn đề “công nghệ mới” và va chạm, làm phá vỡ các quy tắc truyền thống trong nền kinh tế vốn còn nặng tính bảo thủ truyền thống như Pháp.
Sự thách thức của một mô hình kinh tế mới cung cấp các dịch vụ tương tự với giá thấp hơn, được thực hiện bởi những người tự kinh doanh thay vì sử dụng nhân viên giúp việc, thông qua các nền tảng đặt chỗ trên internet, đã gây ra phản ứng quyết liệt, thậm chí đó còn được gọi là một cuộc “loạn đả” giữa các tài xế taxi truyền thống và các lái xe Uber. Ông Macron khi còn là một bộ trưởng trẻ tuổi đã can đảm đứng ra “lội ngược dòng” đứng về phía Uber chống phần còn lại là cả ngành công nghiệp taxi truyền thống của Pháp.
Các tài liệu cho thấy ông Macron hoan nghênh sự xuất hiện của Uber tại thị trường Pháp. Trước cuộc họp đầu tiên giữa Uber và ông Macron, một trợ lý bộ trưởng đã viết thư cho ban lãnh đạo công ty tại thị trường Pháp trong đó nêu rõ các “kỳ vọng về quy định”, cũng như tác động ước tính của hoạt động kinh doanh đối với việc làm và chi phí vận tải.
Sự nhiệt tình ban đầu của ông Macron đối với Uber và những gì ông cảm nhận từ sự xuất hiện của mô hình công ty này được đánh giá là rất cao. Được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Kinh tế vào tháng 8-2014, ông không giấu giếm tham vọng của mình là vừa nắm lấy nền kinh tế kỹ thuật số mới vừa làm lung lay thị trường lao động cứng nhắc của Pháp trong nỗ lực đảo ngược tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở những nơi có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất - trong số những nam thanh niên có trình độ kém có gốc nhập cư. Ông muốn có một “quốc gia khởi nghiệp” và Uber có thể được chọn làm mô hình điểm.
Ông Macron muốn Uber cho nước Pháp thấy tiềm năng của nền kinh tế mới, phi điều tiết. Ông nhấn mạnh công việc của ông là giúp đỡ “những người bên ngoài, những người đổi mới”. Ông nói với trang tin Mediapart rằng cấm Uber sẽ tương đương với việc đưa những thanh niên thất nghiệp từ các khu buôn bán “quay lại đó để bán ma túy”.
Cơ quan quản lý nhà nước Pháp đã ra các quy định ngặt nghèo nhằm quản lý đội ngũ lái xe Uber, như quy định 300 giờ đào tạo lái xe, xem taxi Uber như một mô hình cho thuê xe có tài xế kèm theo (VTC) để quản lý. Để giúp Uber vượt qua các rào cản quy định này, ông Macron đã hợp tác với các lãnh đạo công ty tại Pháp tìm giải pháp “lách quy định” để hoạt động. Uber khi đó khai thác 2 dịch vụ: UberPop (dịch vụ tài xế tự liên hệ với khách hàng, được xem là bất hợp pháp) và UberX (hoạt động dịch vụ taxi công nghệ, hợp pháp).
Trước nguy cơ các dịch vụ của Uber tại Pháp bị cấm hoạt động do không đáp ứng được các quy định của Bộ Nội vụ, ông Macron, các phụ tá của ông cùng các quản lý của Uber tại Pháp đã bàn bạc, thảo luận để đi đến một thỏa thuận. Theo thỏa thuận này thì Ubeer phải chấp nhận “hy sinh” bằng cách đóng cửa dịch vụ UberPop để đổi lấy việc Bộ Nội vụ nới lỏng các điều kiện cho các tài xế UberX thi lấy giấy phép VTC một cách thuận lợi hơn. Điều này đối với Uber là một ân huệ vô cùng lớn, vì nó tạo điều kiện cho công ty dễ dàng xâm nhập thị trường, dễ dàng thu hút các tài xế để mở rộng quy mô kinh doanh.
Dư luận chính trường Pháp nghi ngờ việc ông Macron có can thiệp vào tiến trình giải quyết khó khăn cho Uber của Bộ Nội vụ hay không. Thực tế Macron có trao đổi với Thủ tướng Manuel Valls và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve về các điều kiện mà ông đã “thỏa thuận” với Uber, nhưng tài liệu trong Hồ sơ Uber không cho thấy có sự tác động nào mang tính “can thiệp” từ phía ông Macron.
Aurore Bergé, lãnh đạo đảng cầm quyền của ông Macron trong Quốc hội cho rằng ông Macron “chỉ đơn giản là làm công việc của mình và làm tốt”. Bà Berge nói với CNews rằng Uber đã tạo ra một dịch vụ mà người Pháp mong muốn và ông Macron đã tạo điều kiện đúng đắn cho sự xuất hiện của các công ty tạo ra việc làm.
Theo CAND