Năm 2024, Bình Dương nhanh chóng mở rộng diện tích các khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, để thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KCN theo quy hoạch; ưu tiên phát triển các KCN chất lượng cao để tạo động lực tăng trưởng mới.
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh thăm và làm việc với Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (KCN Mỹ Phước III)
- Bình Dương hiện có nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp tỉnh thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Đến thời điểm này, việc triển khai xây dựng các KCN của tỉnh đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
- Tổng số KCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33, chiếm 7,9% trên tổng số KCN cả nước (416 KCN) với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha. Trong đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh được giao quản lý 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 12.662 ha; có 28 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 11.962 ha.
Để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả, Bình Dương đang chuẩn bị thật tốt các điều kiện như hạ tầng KT-XH, quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các KCN, hệ sinh thái công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. |
Với 28 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp kín đạt trên 93%, đưa Bình Dương trở thành địa phương có tỷ lệ lấp đầy KCN cao nhất cả nước. Năm 2024, Bình Dương nhanh chóng mở rộng diện tích các KCN theo quy hoạch. Ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua đồ án quy hoạch KCN VSIP III (giai đoạn 2), hơn 800 ha và KCN Cây Trường 700 ha, các KCN này đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất, mở rộng thêm một số KCN mới… Cùng với các KCN hiện có, các KCN mới được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới cho Bình Dương.
- Ông có thể cho biết định hướng xây dựng phát triển các KCN của Bình Dương trong giai đoạn mới?
- Bám sát Nghị định 35 của Chính phủ, giai đoạn tới, việc xây dựng phát triển các KCN của tỉnh sẽ chuyên sâu hơn. Tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN Khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng; đồng thời nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương.
Hiện Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Việc thành lập KCN VSIP III mới đây thể hiện sự quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới. Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.
- Bình Dương chuẩn bị quỹ đất như thế nào cho phát triển KCN khi tỷ lệ lấp đầy các KCN của tỉnh đã khá cao, thưa ông?
- Quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch. Hiện tỉnh đang chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư, nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, chủ động đón dòng vốn FDI mới.
Để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư của các DN FDI đến và gắn bó với Bình Dương, giai đoạn 2023-2025, Bình Dương đầu tư 2 KCN với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh dự kiến đầu tư 8 KCN với tổng diện tích khoảng 6.000 ha.
Trước mắt, tỉnh gấp rút hoàn thiện các KCN như: Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP III… nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Dương tiếp tục nâng cấp, mở rộng thêm các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh cùng nhiều tuyến đường khác, tăng cường sự kết nối không chỉ trong nội bộ khu vực mà còn kết nối linh hoạt ra bên ngoài, đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Takako Việt Nam
- Các KCN tỉnh đang có kế hoạch gì để chủ động thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả?
- Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN, đồng thời tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Các KCN hiện hữu và KCN mới đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
NGỌC THANH (thực hiện)