Ông Tập Cận Bình: Phát triển chung để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn

Cập nhật: 11-07-2023 | 06:39:41

Lễ Khai mạc Hội nghị Cấp cao Đầu tiên của Diễn đàn Hành động Toàn cầu vì Phát triển Chung.

Ngày 10/7, Hội nghị Cấp cao Đầu tiên của Diễn đàn Hành động Toàn cầu vì Phát triển Chung đã khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/7 với chủ đề "Sáng kiến Phát triển Toàn cầu: Phản ánh Chương trình Nghị sự Phát triển và Kêu gọi Hành động Toàn cầu."

Hội nghị do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Trung Quốc chủ trì, với các mục tiêu bao gồm quản lý tốt hơn các cú sốc toàn cầu, thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển công bằng và cân bằng hơn, đồng thời đạt được sức mạnh tổng hợp lớn hơn thông qua hợp tác đa phương để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng hội nghị, trong đó đánh giá sự chuyển đổi toàn cầu vốn diễn ra âm thầm trong một thế kỷ qua đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn, nền kinh tế thế giới đang chật vật phục hồi và chương trình nghị sự phát triển toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Tập Cận Bình nêu rõ Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) được Bắc Kinh đưa ra nhằm xây dựng tinh thần đồng thuận về hợp tác và thúc đẩy phát triển chung, thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự Liên hợp quốc 2023 về phát triển bền vững.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh phát triển luôn là mục tiêu của xã hội loài người, phát triển chung là lộ trình quan trọng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Các chuyên gia nhận định GDI sẽ đóng vai trò đáng kể trong giai đoạn quan trọng của lộ trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững.

Li Xiaoyun, Giáo sư Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho rằng sự phát triển kinh tế và xã hội không cân bằng trong các quốc gia trên thế giới là thách thức lớn đối với phát triển toàn cầu.

GDI có cốt lõi là lấy con người là trung tâm sẽ có vai trò đáng kể để tháo gỡ vấn đề này.

GDI ủng hộ mối quan hệ đối tác phát triển toàn cầu với điểm nhấn là đoàn kết, bình đẳng, cân bằng và toàn diện từ các nỗ lực chung của các quốc gia để không có quốc gia hay cá nhân nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

GDI có 8 lĩnh vực ưu tiên bao trùm 17 mục tiêu của Chương trình Nghị sự Liên hợp quốc 2030 và hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới ủng hộ khi sáng kiến này được đưa ra lần đàu vào năm 2021.

Hội nghị Cấp cao lần đầu tiên của Diễn đàn Hành động Toàn cầu vì Phát triển Chung tại Trung Quốc có sự tham dự của các đoàn đại biểu cấp cao từ 27 quốc gia, cùng với đại diện của hơn 20 cơ quan và tổ chức phi chính phủ của Liên hợp quốc./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên