Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định mới về sở hữu trí tuệ

Cập nhật: 15-10-2021 | 08:24:19

 Năm 2020, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EV FTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trước những quy định mới về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các FTA thế hệ mới. DN cần làm gì để tận dụng các cơ hội từ các FTA mang lại? Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục SHTT.

 Doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định mới về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới để tận dụng các cơ hội để sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam, KCN Đồng An 2

 - Một số nội dung nào của FTA thế hệ mới liên quan đến thực thi quyền SHTT, thưa ông?

- Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, chúng ta đã đàm phán, tham gia ký kết khoảng 16 FTA. Trong đó Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA… SHTT là một trụ cột rất quan trọng. Trong điều ước quốc tế đó thấy nổi lên rất nhiều vấn đề mới. Thứ nhất, những cam kết về SHTT khá toàn diện, khác với trước đây nhỏ lẻ từng hiệp định về khía cạnh thương mại trong quyền SHTT ở trong WTO, hay từng hiệp định đơn lẻ ở trong từng lĩnh vực về sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền. Đây là những cái chung tạo nên những bản quyền trong hành lang, thỏa thuận chung, toàn diện để hội nhập nhanh. Doanh nghiệp và những nhà sáng tạo, phát triển những tài sản trí tuệ của mình được bảo vệ dựa trên quyền SHTT.

Cục SHTT rất mong muốn các DN chủ động phối hợp, cơ quan chuyên môn, để có thể thực thi tốt hơn quyền cũng như bảo vệ được môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh.

Về bảo hộ trí tuệ, các chế độ công khai, rõ ràng, minh bạch hơn rất nhiều. Về thực thi quyền, các biện pháp sẽ mạnh hơn, tính chất răn đe cao hơn, thậm chí có rất nhiều biện pháp sẽ bị xử lý hình sự như việc buôn bán tem, bao bì hàng giả, chưa phải là sản phẩm bị gắn làm giả đã có thể bị xử lý hình sự. Hay như chỉ dẫn địa lý là tài sản SHTT mà rất hay được nhắc đến. Sau EV FTA có 169 chỉ dẫn địa lý của Cộng đồng châu Âu sẽ được bảo hộ khá mạnh tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý tại Cộng đồng châu Âu. Với việc bảo hộ này, rõ ràng chỉ dẫn địa lý nông sản, đặc sản Việt Nam sẽ có tầm cao mới. Khi các sản phẩm này vào được thị tường châu Âu như có tấm giấy chứng nhận thông hành, giúp tăng giá trị, tăng niềm tin của người tiêu dùng. Đơn cử, trước đây Việt Nam chỉ có chỉ dẫn nước mắm Phú Quốc, nhưng hiện nay chúng ta có vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà; trà Mộc Châu - Tân Cương... sẽ có điều kiện đi xa hơn ở các thị trường.

- Các FTA thế hệ mới có những thay đổi lớn nào liên quan đến SHTT, thưa ông?

- Có thể thấy ngay, trong từng nhóm đối tượng có sự thay đổi. Ở nhóm đối tượng nhãn hiệu như Tân Hiệp Phát, trước đây đăng ký nhãn hiệu là nhìn thấy được theo các quy định, nhưng bây giờ có nhãn hiệu âm thanh tiến tới được bảo hộ. Và có thể xem xét để bảo hộ nhãn hiệu mùi vị hay không? Liên quan đến sáng chế, có những ân hạn trong sáng chế về tính mới. Trước đây chỉ quy định ân hạn này kéo dài trong 6 tháng, bây giờ ân hạn kéo dài đến 12 tháng, nhằm bảo đảm hơn quyền cho nhà sáng chế, nhà nghiên cứu sáng tạo. Trong EV FTA cũng có quy định liên quan đến việc tự động được bảo hộ cho những chỉ dẫn địa lý của Cộng đồng châu Âu, cũng như Cộng đồng châu Âu công nhận bảo hộ 39 các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại EU. Hay việc đăng ký phải công khai minh bạch trên các phương tiện, trên công báo hoặc internet, trên cơ sở dữ liệu quốc gia cho công chúng được tiếp cận nhanh.

- Về cơ bản các quy định của Luật SHTT Việt Nam giống với các quy định của SHTT các FTA không, thưa ông?

- Ở đây có 2 khía cạnh. Thứ nhất, khi chúng ta cam kết gia nhập các điều ước quốc tế hoặc tham gia đàm phán, ký kết, phải nội luật hóa các điều ước quốc tế đó vào trong quy định của pháp luật Việt Nam, đương nhiên phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp Việt Nam. Các quy định nội luật hóa đó phải giống với các quy định của Luật SHTT của các FTA. Chúng ta phải chấp hành và tuân thủ theo nguyên tắc luật quốc gia phải tuân thủ theo các điều ước quốc tế. Muốn cụ thể hóa thì chúng ta phải ban hành, sửa đổi, bổ sung luật, xây dựng nghị định, thông tư của hệ thống văn bản, pháp luật.

Thiết lập hệ thống cảnh báo, phản hồi, giám sát thị tường, theo dõi để giúp chúng ta biết làm sao để phát triển tốt nhất những tài sản trí tuệ, bảo vệ tốt nhất quyền sở hữu, không chỉ ở thị trường trong nước mà quốc tế. Phải biết các kênh hỗ trợ bảo vệ quyền lợi, nếu có xâm phạm thì tự bảo vệ hay những yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.

Hiện nay chúng ta đang sửa đổi Luật SHTT để đáp ứng không những các yêu cầu của các FTA thế hệ mới mà còn đáp ứng yêu cầu của khía cạnh thứ 2, chính là nội tại của phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Luật SHTT và các quy định sẽ có đặc thù riêng để đáp ứng những yêu cầu. Vì thế, sửa đổi luật lần này có 7 nhóm đối tượng mà chúng tôi đang quan tâm để điều chỉnh. Đơn cử như các quy định liên quan đến chủ sở hữu, tác giả - những đối tượng sáng tạo; những quy định liên quan đến việc khuyến khích tạo lập, những tài sản trí tuệ mới để tạo ra khoa học công nghệ nội sinh, phát triển đất nước… Như vậy, bảo đảm cam kết các quy định quốc tế chỉ là một nhóm trong 7 nhóm đó, 6 nhóm còn lại sẽ là đặc thù để chúng ta phát triển kinh tế đất nước, các yêu cầu của hội nhập quốc tế.

- Trong thời gian tới, để thuận lợi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, ông có lời khuyên gì trong việc thực thi quyền SHTT?

- Đầu tiên, các DN cần lưu tâm biết rõ thông tin thay đổi, biết rõ các quy định pháp luật, nắm vững các điều ước quốc tế, các quy định mới về SHTT trong các FTA thế hệ mới để tận dụng các lợi thế từ các cơ chế chính sách, để biến thành nguồn lực của DN. Thứ hai, DN phải lưu tâm đến hội nhập, thị trường các nước có tiềm năng, có khai thác thương mại, có bán hàng hay đối tác. Tranh thủ các kênh ngoại giao như ở Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội hoặc các cơ quan, ban ngành để có đầy đủ thông tin về FTA, cũng như thông tin về thị trường để hội nhập nhanh.

Phải biết khi hội nhập, khoa học công nghệ, tri thức, tài sản trí tuệ của thế giới rất nhiều. Chúng ta phải biết tận dụng các cơ hội từ FTA để đứng trên vai “người khổng lồ”, sử dụng để đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình. Phải đăng ký bảo hộ để tránh những rủi ro, cũng như khi có hành vi xâm phạm xử lý ngay. Cục SHTT rất mong muốn các DN chủ động phối hợp, cơ quan chuyên môn, để có thể thực thi tốt hơn quyền cũng như bảo vệ được môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh.

- Xin cảm ơn ông!

 PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=926
Quay lên trên