Ông Trump sẽ “làm cho Bitcoin vĩ đại trở lại”?

Cập nhật: 12-08-2024 | 16:36:52

Ngày 27-7 vừa qua, cựu Tổng thống Mỹ và là ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử sắp tới, Donald Trump, đã chủ trì Hội nghị Bitcoin lớn nhất trong năm tại Nashville. Trong bài phát biểu của mình, ông tuyên bố sẽ biến Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của hành tinh và siêu cường Bitcoin của thế giới" nếu ông trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11.

“Chính trị Bitcoin” trong bầu cử Mỹ

Việc ông Trump “ve vãn” ngành công nghiệp tiền điện tử gần như chắc chắn là một động thái chính trị. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã huy động được 25 triệu USD từ lĩnh vực này kể từ khi bắt đầu chấp nhận các khoản quyên góp bằng tiền điện tử vào tháng 5 và dự kiến sẽ nhận được nhiều hơn nữa sau sự kiện ở Nashville.

Giới đầu tư tiền ảo lạc quan trước sự ủng hộ của ông Donald Trump.

Có thể chắc chắn rằng việc ông Donald Trump tập trung vào Bitcoin thời gian gần đây xuất phát từ những khoản quyên góp lớn ấy. Bà Harris muốn bảo vệ các nhà đầu tư bán lẻ khỏi một loại tài sản vốn bị coi là một kế hoạch Ponzi (lấy vốn đầu tư của người này để trả lợi nhuận cho người kia). Nhưng nước Mỹ có một đội quân các nhà đầu tư tiền điện tử - khoảng 40 triệu người - những người không thể bị coi thường trong một cuộc bầu cử căng thẳng.

Có thể dự đoán rằng hầu hết các nhà đầu tư tiền điện tử nghiêm túc sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Tại hội nghị về Bitcoin tổ chức vào tuần trước, cựu Tổng thống Trump đã  “nhắm mũi dùi” vào Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Gary Gensler - nhà lãnh đạo đã luôn nói rằng tiền điện tử nên được quản lý. Ông Trump phát biểu sau một tràng pháo tay kéo dài: “Tôi xin nhắc lại, vào ngày đầu tiên đắc cử Tổng thống Mỹ, tôi sẽ sa thải ông Gary Gensler”. Đây là một bất ngờ đối với nhiều đảng viên Dân chủ, những người không biết rằng ông Gensler là một “trùm tài phiệt kiểu George Soros” trong thế giới tiền điện tử.

Chính trị Bitcoin ở Mỹ vừa mang tính bầu cử vừa mang tính thực chất. Phần bầu cử là dễ hiểu nhất. Nhiều người đã đặt câu hỏi về quyết định của cựu Tổng thống Trump khi chọn ông J.D. Vance, Thượng Nghị sĩ bang Ohio, làm bạn đồng hành trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Theo cách nhìn thông thường, ông Vance là một sự lựa chọn thảm họa khi mà tỷ lệ ủng hộ của ông đang ở mức thấp.

Nhưng ông Vance lại được một số người giàu nhất nước Mỹ ủng hộ, trong đó có những “gã khổng lồ” của Thung lũng Silicon như tỷ phú Elon Musk, nhà tài phiệt Peter Thiel, ông Marc Andreessen và ông Ben Horowitz. Mỗi người trong số họ đều đầu tư, cả về mặt tài chính và triết lý, vào tiền điện tử.

Trong khi các nhà phân tích tập trung nghiên cứu về nền kinh tế dân túy kiểu ông Vance - ví dụ như ông ủng hộ việc phá vỡ lòng tin và đổ lỗi cho Phố Wall về những tai ương của tầng lớp lao động Mỹ - thì những người khác lại theo dõi về vấn đề tiền bạc. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình tại Thượng viện, ông Vance đã ủng hộ luật bãi bỏ quy định về tiền điện tử. Ông gọi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Gensler là “gã tệ nhất” khi muốn giám sát tiền điện tử.

Điều này trùng khớp với quan điểm của những nhà tài trợ cho ông Vance ở Bờ Tây. Ông Thiel đã đóng góp 15 triệu USD cho chiến dịch tranh cử Thượng viện của ông Vance. Tỷ phú Musk đã hứa, dù sau đó do dự về khoản đóng góp 45 triệu USD/tháng mà ông đã cam kết với ông Trump một ngày trước khi ông Vance “xuất đầu lộ diện”. Ông Andreessen và ông Horowitz đã lên tiếng ủng hộ ứng cử viên Trump. Trong số những nhà tài trợ tiền điện tử cho chiến dịch của ông Trump có ông Cameron Winklevoss, đồng sáng lập sàn giao dịch Gemini và ông Jesse Powell, đồng sáng lập sàn giao dịch Kraken.

Đối với ứng cử viên đảng Dân chủ Harris, một lập trường hợp lý là giữ thái độ trung lập và ôn hòa đối với các nhà đầu tư tiền điện tử mà không đưa ra những lời cam kết bãi bỏ quy định mà bà sẽ hối tiếc nếu được bầu. Nếu cựu Tổng thống Franklin Roosevelt có thể giành chiến thắng vào năm 1940 mà không ngả mũ trước chủ nghĩa phát xít, thì bà Harris chắc chắn có thể duy trì được sự mơ hồ cần thiết về tiền điện tử. Bà nên cẩn thận không nhắc lại rằng Fed có khả năng sẽ phát hành một đơn vị tài khoản kỹ thuật số (CBDC - tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành). Những người sùng bái Bitcoin coi CBDC là một công cụ giám sát của nhà nước ngầm.

Tác động tới thị trường Bitcoin

Sự ủng hộ công khai của ông Trump đối với tiền điện tử chắc chắn đã thúc đẩy sự lạc quan của các nhà đầu tư. Giá Bitcoin đã tăng vọt lên gần 70.000 USD vào ngày 29/7, mức cao nhất trong hơn 6 tuần, trước khi giảm xuống còn 62.000 USD vài ngày sau đó.

Nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tới đây, Bitcoin phi quản lý có lẽ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Ông Trump đã cam kết nhập khoảng 13 tỷ USD Bitcoin do chính phủ tịch thu vào bảng cân đối kế toán của Fed. Đó sẽ là "một con ngựa thành Troy". Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump sẽ có thêm cuộc chiến chống lại đồng USD.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về tính khả thi của những lời hứa của ông Trump nếu ông trở thành tổng thống. Và ngay cả khi đó, vẫn chưa rõ liệu chương trình nghị sự ủng hộ tiền điện tử của ông Trump có tác động lâu dài đến giá Bitcoin trong dài hạn hay không.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã cam kết sẽ giữ lại "100% tất cả Bitcoin" mà chính phủ Mỹ hiện đang nắm giữ hoặc sẽ mua lại trong tương lai nếu ông được bầu.

Việc thêm lượng nắm giữ đáng kể Bitcoi của chính phủ có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực lớn hơn nữa giữa những người chơi lớn. Đây có lẽ không phải là điều mà hầu hết người dùng tiền điện tử mong muốn.

Để các cam kết của ông Trump có thể ảnh hưởng đến giá Bitcoin trong dài hạn, chúng phải được hỗ trợ bởi các biện pháp đáng kể và nhất quán. Nếu không, chúng sẽ chỉ gây ra những biến động giá tạm thời như những gì đã thấy trong tuần qua.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1814
Quay lên trên