Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) và thị trấn Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên). Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) và thị trấn Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên). Xin ông cho biết sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển đô thị của 2 huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên nói riêng và đô thị Bình Dương nói chung?
- Đô thị Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng và đô thị Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là đô thị loại V vào tháng 6-2017. Hiện nay, hai đề án này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và chờ ban hành nghị quyết thành lập thị trấn Lai Uyên và thị trấn Tân Thành.
Xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thị trấn Lai Uyên. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Việc thành lập thị trấn Lai Uyên và thị trấn Tân Thành có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển đô thị các khu vực phía bắc Bình Dương, đặc biệt là các huyện mới thành lập. Đây cũng là tiền đề để tỉnh xây dựng kế hoạch, chú trọng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư và định hướng bố trí vốn đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo, nhằm bảo đảm sự đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cân đối hài hòa sự phát triển giữa các khu vực phát triển đô thị trong toàn tỉnh theo đúng mục tiêu của Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020.
- Trong thời gian tới, để Tân Thành và Lai Uyên hoàn thành các tiêu chí của thị trấn, hai địa phương này nói riêng và hai huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên nói chung cần tiếp tục thực hiện những gì, thưa ông?
- Căn cứ theo Điều 9, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, quy định tiêu chuẩn của thị trấn phải bảo đảm về quy mô dân số từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 14km2 trở lên, cơ cấu về trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt theo quy định và tính điểm tại Điều 20 của Nghị quyết 1211/2016/ UBTVQH13. Đặc biệt, các đô thị phải được công nhận là đô thị loại IV hoặc loại V hay khu vực dự kiến thành lập thị trấn đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại IV hoặc loại V.
Khi xem xét 5 tiêu chí phân loại đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 2 đô thị trên đều đủ điều kiện phân loại đô thị loại V. Tuy nhiên, cũng còn một số tiêu chuẩn trong 5 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp, địa phương cần tập trung và có kế hoạch đầu tư nhằm nâng cao chất lượng của các tiêu chuẩn, cụ thể như: Mật độ dân số toàn đô thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; cơ sở y tế cấp đô thị; quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; mật độ đường giao thông...
- Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tỉnh đã có giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Căn cứ các quy định và quy hoạch của Trung ương, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển các đô thị trực thuộc tỉnh như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Các chương trình, đề án, dự án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện đã góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Công tác nâng cấp, nâng loại đô thị được tỉnh triển khai đồng bộ và cơ bản đúng lộ trình theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh và các chương trình phát triển đô thị trực thuộc tỉnh.
Đến nay, theo kế hoạch nâng cấp đô thị, tỉnh đã có 1 đô thị loại I là TP.Thủ Dầu Một, 4 đô thị loại III (trong đó 2 đô thị đạt loại III trực thuộc tỉnh là TX.Thuận An và TX.Dĩ An đã được Bộ Xây dựng quyết định công nhận trong năm 2017; 2 đô thị là TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên tại kỳ họp lần thứ 7 HĐND tỉnh khóa IX vừa diễn ra đã thông qua 2 Đề án đề nghị công nhận TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên từ đô thị loại IV lên loại III), 4 đô thị loại V và 5 đô thị mới được quy hoạch theo đúng định hướng.
Nhằm phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15-8-2016 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 3584/QĐ- UBND ngày 26-12-2016, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Vừa qua, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh sơ kết Chương trình số 22-CTr/TU nhằm đánh giá lại kết quả các nội dung các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai và định hướng trong thời gian tới. Theo đó, trong thời gian tới các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần chú trọng các nội dung: Tiếp tục thực hiện phân loại các đô thị đủ điều kiện theo Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020; trong năm 2018 sẽ rà soát thực trạng các đô thị so với các quy định để điều chỉnh chương trình phát triển đô thị của tỉnh phù hợp với các quy định của Trung ương.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung thực hiện theo kế hoạch đối với các dự án, công trình trọng điểm theo Chương trình số 22-Ctr/ TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 3584/QĐ-UBND ngày 26- 12-2016 của UBND tỉnh. Trong đó, đối với các dự án, công trình mang tính kết nối vùng, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa công trình vào sử dụng; đối với các dự án chậm tiến độ sẽ tập trung xác định nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án đô thị trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trong đó thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, không để phát sinh tình trạng phân lô bán nền trái phép; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
- Xin cảm ơn ông!
Báo cáo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ: Từ những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đã và đang đặt ra cho xã Lai Uyên và xã Tân Thành nhiều vấn đề cần giải quyết như: Quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết thành lập thị trấn Lai Uyên và thị trấn Tân Thành, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị; đồng thời bảo đảm đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên nói chung và 2 xã Lai Uyên, Tân Thành nói riêng.
PHƯƠNG LÊ (thực hiện)