Mỹ buộc tội Osama bin Laden đứng sau vụ khủng bố năm 2001, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng tại tòa tháp đôi WTC New York, trụ sở Lầu Năm góc ở Washington và chiếc máy bay rơi xuống bang Pennsylvania. Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush tuyên bố phải tróc nã bin Laden dù “còn sống hay đã chết”. Theo Telegraph, Phó tổng thống Dick Cheney còn bày tỏ rằng ông muốn nhìn thấy thủ cấp bin Laden “đặt trên chiếc đĩa gỗ”.
Tuy nhiên, dù các lãnh đạo cao nhất của Mỹ sôi sục muốn tóm được Osama bin Laden cho bằng được, chiến dịch truy lùng trùm khủng bố này không hề đơn giản. Ông này thường được cho là ẩn náu tại khu vực các bộ tộc hẻo lánh, nằm giữa biên giới hiểm trở Afghanistan và Pakistan và đây cũng là địa bàn được các đơn vị đặc nhiệm Mỹ nhận nhiệm vụ truy sát trùm Al-Qaeda “cày xới”.
Từ thiếu gia thành chiến binh chống MỹOsama bin Laden sinh năm 1957 tại Ảrập Xêút và là con thứ 17 trong đàn con 52 người của tỷ phú ngành xây dựng Mohamed bin Laden. Cha bin Laden là người phụ trách tới 80% hợp đồng xây dựng đường xá của vương quốc dầu mỏ Ảrập Xêút rộng lớn. Khi ông Mohamed qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng năm 1968, Osama được thừa kế nhiều triệu USD, nhưng ít hơn so với ước tính 250 triệu USD.
Ngay từ khi đang học ngành kỹ sư dân dụng tại Đại học King Abdul Aziz ở Ảrập Xêút, Osama bắt đầu tìm cách liên lạc với giáo viên và sinh viên mang quan điểm Hồi giáo bảo thủ. Sinh viên con tỷ phú này ngày càng gắn chặt với quan điểm Hồi giáo chính thống và chống lại những thứ mà anh ta cho là sự suy đồi của phương Tây.
Cuộc can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan tháng 12/1979 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Osama bin Laden. Bỏ lại cuộc sống nhung lụa ở Ảrập Xêút, người này tới Afghanistan và tham gia cuộc nổi dậy của các chiến binh đạo Hồi mujahideen chống lại quân đội Liên Xô, trong suốt hàng chục năm.
Có một chi tiết ít được người Mỹ nhắc tới là theo các chuyên gia tình báo, Cục tình báo trung ương (CIA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng mujahideen ở Afghanistan, trong đó có Osama bin Laden, để chống lại quân đội Liên Xô tại đây.
Nhưng cuộc chiến Afghanistan kết thúc, quan điểm của Osama thay đổi hoàn toàn khi chuyển sự căm thù Matxcơva đưa quân sang Afghanistan thành căm ghét Washington vì 300.000 lính Mỹ gồm cả nữ giới đồn trú tại Ảrập Xêút. Mỹ hiện diện quân sự tại nơi có những thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi này để tham gia cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất chống chế độ Saddam Hussein của Iraq năm 1991.
Trùm khủng bố tương lai coi đây là sự báng bổ đối với sự tinh khiết của đạo Hồi và ấp ủ sự báo thù người Mỹ. Cùng với các chiến binh Mujahideen khác, Osama đưa các kỹ năng chiến đấu và lòng tôn sùng đạo Hồi tới nhiều tổ chức chống Mỹ tại khu vực Trung Đông. Người Mỹ nhanh chóng gây sức ép với đồng minh Ảrập Xêút để tước quyền công dân của bin Laden năm 1994, buộc ông ta phải chạy sang Sudan.
Tháng 1/1996, bin Laden trở lại “chiến trường xưa” Afghanistan với sự căm ghét người Mỹ còn tăng hơn nhiều so với trước. Tình trạng hỗn loạn tại đây với sự hoành hành của các nhóm Hồi giáo như Taliban thực sự là “đất dụng võ” của bin Laden, đặc biệt là từ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul cuối năm 1996.
Một yếu tố mang tính quyết định để Osama bin Laden dần trở thành chiến binh Hồi giáo có ảnh hưởng nhất thế giới chính là sự giàu có của gia đình và bản thân. Tài sản của Osama tăng không ngừng nhờ những khoản đầu tư sinh lợi trên khắp thế giới, đủ sức cho ông ta chi tiền và điều hành các liên minh chiến binh xuyên quốc gia, thông qua mạng khủng bố Al-Qaeda.
Tháng 2/1998, Osama thay mặt tổ chức Mặt trận thế giới thánh chiến chống Do thái và quân thập tự chinh, công bố chỉ dụ tôn giáo (fatwa), tuyên bố các hoạt động giết chóc người Mỹ và các đồng minh là một nhiệm vụ của tín đồ đạo Hồi. Đúng 6 tháng sau, hai vụ đánh bom nhằm vào sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania làm 224 người chết và 5.000 người bị thương.
Lập tức Osama bin Laden bị coi là nghi phạm chính và thực sự trở thành cái gai cần nhổ bằng được của người Mỹ. Quân đội nước này đã bắn 75 tên lửa hành trình từ biển vào 6 trại huấn luyện của chiến binh Hồi giáo do Bin Laden chỉ huy ở miền đông Afghanistan, nhưng vẫn không thể tiêu diệt được tên này.
Ngoài hai vụ khủng bố đẫm máu ở Kenya và Tanzania, Osama còn dính líu tới vụ đánh bom tại tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York năm 1993 cùng vụ xe bom ở thủ đô Riyadh và vụ đánh bom xe tải vào các doanh trại ở Ảrập Xêút, làm chết 19 lính Mỹ, năm 1995. BBC dẫn một tuyên bố của bin Laden nhấn mạnh: “Tôi luôn muốn giết người Mỹ vì họ giết chúng tôi”.
Đỉnh điểm trong các hành động bạo lực của Osama bin Laden nhằm vào người Mỹ là vụ khủng bố 11/9/2001, với hình ảnh hai chiếc máy bay bị không tặc lần lượt lao vào tòa tháp đôi WTC ở New York và khiến chúng sập xuống sau đó. Chiếc máy bay thứ ba đâm vào một phần Lầu Năm Góc ở Washington và chiếc thứ tư lao xuống cánh đồng bang Pennsylvania, khi chưa kịp đến mục tiêu khủng bố.
Tổng cộng có hơn 3.000 người thiệt mạng trong vụ 11/9 và sự kiện đẫm máu này khiến Mỹ quyết định phát động cuộc chiến tranh vào cuối năm 2001, chống chế độ Taliban tại Afghanistan, với cáo buộc chính quyền Hồi giáo hà khắc này dung túng cho mạng khủng bố Al-Qaeda của Osama bin Laden.
Một bức ảnh về Osama bin Laden Hơn một thập kỷ lẩn trốnMột trong những mục tiêu chính để Mỹ phát động chiến tranh Afghanistan năm 2001 là tiêu diệt Osama bin Laden. Tháng 4/2002, họ đã suýt hoàn thành được sứ mệnh này tại khu hang động hiểm trở Tora Bora, nằm giữa Afghanistan và Pakistan. Nhưng Osama đã rời đi từ trước và trốn sang Pakistan, khiến chiến dịch của đặc vụ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các đơn vị đặc nhiệm Mỹ khác thất bại.
Sau đó là những lần Osama bin Laden với tư cách trùm mạng khủng bố Al-Qaeda thỉnh thoảng xuất hiện qua các băng video và ghi âm, kêu gọi chiến binh đạo Hồi chống người Mỹ và các đồng minh. Tháng 2/2003, đoạn băng ghi âm được cho là Bin Laden gửi tới kênh truyền hình Al-Jazeera, trong đó nhấn mạnh: “Tất cả tín đồ đạo Hồi, đặc biệt là những người tại Iraq, cần phải phát động một cuộc thánh chiến chống lại người Mỹ”.
Chỉ có những người rất thân cận mới được nhìn thấy Osama bin Laden và hình ảnh gần đây nhất ghi lại trùm khủng bố này diễn ra vào cuối năm 2011, khi ông ta đang chuẩn bị bỏ chạy khỏi khu vực ẩn náu Tora Bora. Các nguồn tin cho rằng, ông này đã được bộ tộc người Pakistan thân Taliban và chống chính phủ Pakistan che giấu và biệt đãi.
Do đó chiến dịch truy lùng Osama bin Laden của Mỹ thường tập trung vào Pakistan. Sự kiện mang tính bước ngoặt trong chiến dịch này là việc bắt sống nghi phạm khủng bố Khalid Sheikh Mohammed ở Pakistan năm 2003. Đây là chỉ huy trực tiếp các chiến dịch khủng bố của mạng Al-Qaeda và nghi phạm chủ mưu vụ tấn công tòa tháp WTC New York năm 2001.
Việc bắt được Khalid được cho là sự kiện đánh dấu vòng vây xung quanh Osama đang khép chặt. Do đó quân đội Pakistan mở chiến dịch truy lùng quy mô lớn dọc vùng biên giới với Afghanistan từ tháng 5 đến tháng 7/2004. Nhưng một năm sau, Tổng thống Pakistan khi đó là Pervez Musharaf thừa nhận chiến dịch này đã không hoàn thành được mục tiêu là bắt bin Laden.
Trong khi đó, các đoạn băng hình ảnh và âm thanh của Osama bin Laden cùng nhân vật số hai trong Al-Qaeda là Ayman al Zawahiri vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên Internet hoặc truyền hình. Những lần xuất hiện này thường được tính toán gắn với một sự kiện nào đó như trước kỳ bầu cử Mỹ hay các dịp kỷ niệm ngày 11/9, nhằm chia rẽ quan điểm giữa người dân và lãnh đạo các nước phương tây.
Điệp vụ hoàn tất
Đêm 30/4/2011, Osama bin Laden và một số thành viên trong gia đình bị tiêu diệt trong một tòa nhà, nằm bên ngoài thủ đô Islamabad của Pakistan. Sau khi đã nắm trong tay xác của trùm Al-Qaeda và đưa về Afghanistan, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố từ Nhà Trắng lúc 23h New York ngày 1/5 (tức 11h Hà Nội ngày 2/5) rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết tin tức tình báo về tung tích của trùm Al-Qaeda đang trốn sâu trong lãnh thổ Pakistan xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái, nhưng tới đêm 30/4 Mỹ mới xác định chính xác vị trí và hạ sát kẻ bị truy lùng gắt gao nhất trong lịch sử này. Thông tin Bin Laden bị tiêu diệt được tổng thống Mỹ xác nhận đã khiến nhiều người dân nước này vui mừng.
Tuy nhiên việc Bin Laden bị bắn hạ ngay sát thủ đô Islamabad càng làm dấy lên mối lo ngại Pakistan thực sự đã trở thành ‘thiên đường ẩn náu” của các chỉ huy mạng Al-Qaeda. Cái chết của bin Laden sẽ là cú đánh mạnh vào mạng lưới của Al-Qaeda, nhưng cũng khiến nhiều người lo lắng về làn sóng tấn công báo thù của tổ chức khủng bố quốc tế này.
Cựu tổng thống George Bush mô tả việc tiêu diệt được bin Laden là một “thành tựu trọng yếu”. “Cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang tiếp diễn, nhưng tối nay nước Mỹ đã phát đi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng: Cho dù có phải kéo dài bao lâu thì công lý cũng sẽ được thực thi”, ông Bush nhấn mạnh.
Người tiền nhiệm của ông là cựu tổng thống Bill Clinton thì tuyên bố: “Đây là khoảnh khắc cực kỳ quan trọng không chỉ cho gia đình những người mất thân nhân trong vụ 11/9 và các vụ tấn công khác của Al-Qaeda, mà còn cho người dân trên toàn thế giới, những người muốn xây dựng một tương lai chung hòa bình, tự do và hợp tác cho những đứa trẻ của chúng ta”.
Theo VNE