Pakistan rơi vào khủng hoảng mới

Cập nhật: 14-02-2010 | 00:00:00

Pakistan lại đối mặt với nguy cơ khủng hoảng mới khi tổng thống Asif Ali Zardari rơi vào cuộc đối đầu với Bộ trưởng tư pháp Iftikhar Mohammad Chaudhry liên quan tới vụ bổ nhiệm một quan tòa cấp cao.

Vụ khủng hoảng xảy ra khi ông Zardari quyết định phớt lờ một ứng viên chánh án cho tòa tối cao do bộ trưởng Chaudhry đề xuất mà thay vào đó chọn một quan tòa khác.

Vụ việc có thể làm suy yếu chính quyền của ông Zardari giữa lúc Mỹ rất cần một sự ổn định cho chiến dịch truy quét Taliban và các tay súng có quan hệ với Al-Qaeda nhằm chấm dứt cuộc chiến ở nước Afghanistan láng giềng.

Hiện tòa tối cao đã hủy quyết định bổ nhiệm ông Khawaja Sharif, chánh án tòa thành phố Lahore, và triệu tập bộ trưởng tư pháp Chaudhry ra tòa. Quyết định hủy của tòa tối cao được đưa ra chỉ bốn giờ sau khi ông Zardari ký quyết định của mình. Tòa tối cao nói quyết định của ông Zardari vi phạm hiến pháp nên bãi bỏ.

“Nguy cơ khủng hoảng dâng cao đã mấp mé suốt cả năm nay rồi. Nếu tổng thống không chấp nhận phán quyết của Tòa tối cao thì Pakistan sẽ có cuộc khủng hoảng hiến pháp rất nghiêm trọng”. Ông Zardari, nổi tiếng vì các vụ tham nhũng với biệt hiệu “Ông 10%”, giờ đang là đối thủ với ông Chaudhry.

Vị bộ trưởng tư pháp nổi tiếng với thái độ độc lập này có ảnh hưởng rất lớn ở Pakistan. Chính cựu tổng thống PErvez Musharraf buộc phải rút lui khỏi chính trường sau vụ khủng hoảng khi ông cách chức ông Chaudhry hồi năm 2007.

Ông Zardari phục chức cho ông Chaudhry hồi tháng 3 năm ngoái nhưng động thái này được coi là bước xuống thang trước thềm vụ diễu hành phản đối ở Islamabad và trước áp lực của phương Tây nhằm tránh một cuộc khủng hoảng chính trị.

Tháng 12-2009, tòa tối cao hủy một quyết định ân xá không truy tố hối lộ đối với Zardari và các quan chức chính phủ khác liên quan khác cách đó hai năm. Giới phân tích sau đó cho rằng Tòa tối cao đã nhượng bộ khi không theo tiếp vụ này. Tuy vậy, việc ông Zardari bổ nhiệm Sharif đã đẩy ông lại thế đối đầu trực tiếp với Tòa tối cao - điều có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới.

Giới phân tích nói Zardari có thể phản đòn lại bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp, như Musharraf từng làm năm 2007. Tuy vậy, khả năng lớn hơn sẽ là Zardari buộc phải nhượng bộ và thay đổi quyết định của mình.

“Nếu tòa tối cao tiếp tục dấn tới và hạ bệ ông ta, có lẽ toàn hệ thống sẽ sụp đổ,” một nhà phân tích nói.

(Theo TTO)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên