Pakistan ngày 21-9 đã cho triệu Đại sứ Mỹ tại Pakistan Richard Hoagland tới Bộ Ngoại giao nước này để phản đối bộ phim có nội dung xúc phạm nhà tiên tri Mohammed và đạo Hồi, làm dấy lên làn sóng biểu tình tại nhiều quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
>> Mỹ đóng cửa đại sứ quán tại Ấn Độ và Malaysia
>> Nhà làm phim về đạo Hồi lạm dụng tự do ngôn luận
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan, phía Pakistan đã nêu rõ cho nhà ngoại giao Mỹ rằng việc tuyên truyền bộ phim là sự tấn công nhằm vào 1,5 tỷ người Hồi giáo, một hành động nhằm truyền bá sự thù địch và bạo lực giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau.
Làn sóng biểu tình, bạo động chống Mỹ lan rộng tại Pakistan. Pakistan kêu gọi Chính phủ Mỹ nhanh chóng có các biện pháp đối với tác giả của bộ phim cũng như gỡ bỏ bộ phim trên mạng chia sẻ video YouTube.
Đại sứ Mỹ Hoagland đã nhắc lại quan điểm của Washington rằng Chính phủ Mỹ và đa số người Mỹ cũng lên án mạnh mẽ bộ phim, đồng thời cho rằng đây là hành động sai lầm của một cá nhân.
Bước sang ngày thứ 10 kể từ khi bùng phát làn sóng phản đối bộ phim có nội dung xúc phạm đạo Hồi, và nhà tiên tri Mohammed, các cuộc biểu tình đã lan rộng tới hơn 20 nước trên thế giới, khiến hơn 30 người thiệt mạng.
Tại nhiều quốc gia Hồi giáo, các phái bộ ngoại giao các nước phương Tây cũng luôn được đặt trong tình trạng cảnh báo an ninh cao độ.
Tại Pakistan, bất chấp lời kêu gọi biểu tình trong hòa bình của chính phủ nước này, biểu tình trong ngày 21-9 vẫn tiếp tục lan rộng trên phạm vi cả nước và biến thành các vụ bạo lực gây thương vong.
Tại thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình, đốt cờ Mỹ và đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát, khiến bốn người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát và một nhân viên truyền hình người Pakistan, và 50 người bị thương.
Người biểu tình mang theo gậy gộc cũng đã đốt cháy hai rạp chiếu phim trong thành phố.
Phát biểu trước đông đảo người dân tại thủ đô Islamabad, Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf đã kêu gọi các cuộc biểu tình phải được tiến hành trong hòa bình, đồng thời nhấn mạnh không cá nhân nào có thể lăng mạ các tôn giáo dưới sự biện hộ của tự do ngôn luận.
Tại Indonesia, nước có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới, nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa lãnh sự Mỹ tại Medan, trong khi đó tại thành phố Surabaya, cũng đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình.
Còn tại Malaysia, khoảng 3.000 tín đồ Hồi giáo nước này cũng đã biểu tình trong hòa bình và tuần hành trước Đại sứ quán Mỹ để phản đối vụ việc nói trên.
Trong khi đó, hơn 10.000 người dân Bangladesh cũng đã xuống đường ở thủ đô Dakar để phản đối bộ phim. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ có nội dung phản đối Mỹ và đốt quốc kỳ Pháp và hình nộm của Tổng thống Mỹ Barak Obama bên ngoài thánh đường lớn nhất nước này Baitul Mokarram sau buổi cầu nguyện chiều thứ Sáu. Hàng trăm cảnh sát, lực lượng phản ứng nhanh đã được triển khai để đảm bảo an ninh tại khu vực diễn ra biểu tình.
Trong bối cảnh lo ngại làn sóng phản đối biến thành các vụ bạo lực, Pháp đã cho đóng cửa các đại sứ quán, tòa lãnh sự, trung tâm văn hóa và trường học tại hơn 20 nước Hồi giáo.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Ấn Độ, quốc gia Hồi giáo lớn thứ ba trên thế giới, đồng thời yêu cầu các nhân viên ngoại giao không ra ngoài vì lý do an ninh.
Theo TTXVN