PGS-TS Nguyễn Thanh Bình: Bốn điều kiện cốt lõi để giữ chân y, bác sĩ

Cập nhật: 26-02-2023 | 15:15:08

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2023), PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Y dược, Đại học Thủ Dầu Một kiêm Trưởng đơn vị tế bào mô Trung tâm nghiên cứu y sinh Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã có những chia sẻ liên quan đến công tác nhân sự trong lĩnh vực y tế.

Bốn yếu tố cốt lõi thu hút, giữ chân nhân tài

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, từ thực tiễn cho thấy có bốn điều kiện cốt lõi để giữ chân y, bác sĩ, nhân viên y tế gắn bó lâu dài và thu hút được nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, ngoài đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định từ lương, giúp họ giảm bớt áp lực tài chính thì cần thiết phải có thêm các điều kiện như: An cư, chuyên môn và văn hóa địa phương.

PGS-TS Nguyễn Thanh Bình nhận xét: lãnh đạo địa phương rất quan tâm, nỗ lực đưa ngành y tế Bình Dương ngày càng phát triển

“Trước đây, bác sĩ ra trường đi làm có thể họ ít quan tâm đến lương, miễn là có việc làm. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều sự lựa chọn công việc nên giữ được nguồn nhân lực đã khó, kéo được người tài càng khó hơn. Bác sĩ học đến 7 năm mới hoàn thiện nhưng chỉ được nhận lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng thì rất khó để tuyển, nói gì đến việc giữ chân họ gắn bó lâu dài. Tôi cho rằng, kể cả chuyên gia hay nhân viên y tế bình thường muốn thu hút được họ, cái quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo chế độ lương. Nhưng lương cao thôi là chưa đủ mà phải kèm theo điều kiện về an cư, chuyên môn và văn hóa địa phương, nơi làm việc”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

“Bản thân tôi, dù nhà ở TP.HCM nhưng đến Bình Dương công tác vì ở đây tôi thấy được sự trân trọng. Tôi thấy lãnh đạo địa phương rất quan tâm, nỗ lực đưa ngành y tế Bình Dương ngày càng phát triển. Tôi rất ấn tượng khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã dành thời gian gặp gỡ, uống cà phê để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của y, bác sĩ, điều này càng thể hiện tâm huyết của địa phương vào sự phát triển y tế”. (PGS-TS Nguyễn Thanh Bình tâm sự)

Giải thích thêm về các điều kiện cốt lõi để thu hút và giữ chân nhân viên y tế, ông Bình nói rằng, bác sĩ không thể ở trọ như công nhân được, nhưng vì thu nhập thấp, rất nhiều người không còn lựa chọn tốt hơn. Chính vì chưa có nơi an cư ổn định, dẫn đến dễ thay đổi nơi làm việc vì thay đổi nơi ở. Do đó, cần có chính sách về nhà ở với giá phù hợp mức thu nhập của bác sĩ để họ an cư.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế phải được thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, sắp xếp vị trí công việc phù hợp với năng lực để toàn tâm cống hiến. Cuối cùng là văn hóa địa phương, nơi làm việc phải đáp ứng nhu cầu. “Một bác sĩ dù được trả lương cao nhưng môi trường làm việc ở đơn vị, địa phương đó không phù hợp… sớm hay muộn họ cũng bỏ đi”, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm. 

“Đất lành chim đậu”

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, với việc chú trọng đầu tư hạ tầng, chuyên môn trong lĩnh vực y tế thời gian qua, ông nhận định trong tương lai không xa, địa phương sẽ là trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn của khu vực. “Sẽ không lâu nữa, người dân địa phương khi có bệnh sẽ không phải đi đến các bệnh viện ở TP.HCM”, ông Bình đánh giá.

Bình Dương đang thực hiện “Đề án Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh đến năm 2030”. Do đó, chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, nguồn nhân lực y tế là then chốt, là điều kiện quyết định đến thành công của Đề án. "Do đó, cần tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và có chế độ chính sách đãi ngộ đặc biệt… để thu hút và giữ chân y, bác sĩ”, ông Bình gợi ý.

Dự báo quy mô dân số tỉnh Bình Dương hơn 3,5 triệu người vào năm 2030, để đạt chỉ tiêu 29 giường bệnh/10.000 dân, 11 bác sĩ/10.000 dân, địa phương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh, với hơn 1.900 bác sĩ. Trong khi đó, hiện nay Bình Dương có 8.880 nhân viên y tế với tỷ lệ 7,51 bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh là 5.202 giường với tỷ lệ 20 giường/10.000 dân. 

Thực tế cho thấy, các tỷ lệ và chỉ tiêu hiện tại còn thấp so mục tiêu của Bộ Y tế đề ra. Để đạt được mục tiêu, thời gian qua, ngành y tế Bình Dương đã có sự phối hợp, kết nối, hỗ trợ từ các trường đại học y dược trong cả nước như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Dược Cần Thơ... và các cơ sở đào tạo trong khu vực để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Dự kiến cuối năm 2023, Bệnh viện 1.500 giường ở Bình Dương sẽ được đưa vào hoạt động.

Về hạ tầng, Bình Dương đang lên kế hoạch triển khai bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường và trường đại học sức khỏe với diện tích 50 ha tại huyện Bàu Bàng, mô hình tổ chức hoạt động y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 41/2021 của Quốc hội, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh gồm: Nhi, Phụ sản, Lao phổi truyền nhiễm, Tâm thần. Đặc biệt, dự kiến cuối năm 2023, Bệnh viện 1.500 giường ở Bình Dương sẽ đưa vào hoạt động.

Theo dự thảo đề án, mục tiêu tỉnh Bình Dương đến năm 2030 sẽ phát triển tối thiểu 5.000 giường bệnh; trong đó thành lập mới 4 bệnh viện chuyên khoa; nghiên cứu phát triển trung tâm tim mạch, trung tâm ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh; xây mới bệnh viện tuyến cuối quy mô 2.000 giường; đào tạo và tuyển dụng mới 2.500 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên.

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2287
Quay lên trên