PGS-TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam: Quá trình phát triển của Bình Dương không ồn ào nhưng mãnh liệt

Cập nhật: 28-01-2022 | 10:38:00

Trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên kinh tế của Bình Dương vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Nhằm đánh giá về bức tranh kinh tế của Bình Dương trong năm vừa qua cũng như nhận định về sự tăng trưởng, sức hút đầu tư của tỉnh nhà trong năm 2022 và những năm tới, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Trong năm vừa qua, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề trên mọi lĩnh vực của tỉnh, tuy nhiên kinh tế của Bình Dương vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến sức bật trong nền kinh tế, cũng như sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Bình Dương?

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại một hội nghị do Bình Dương tổ chức

- Năm 2021, Bình Dương là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nặng nề nhất cả nước. Nếu xét đến mức độ gay gắt do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, do sốc cung - sốc cầu gây ra mà Bình Dương là một trong những địa phương có độ mở cửa, hội nhập và liên kết quốc tế cao nhất, thì việc kinh tế Bình Dương vẫn “trụ vững” với thành tích tăng trưởng GRDP dương 2,62%, cao hơn cả mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế (2,58%) quả thật là một thành tích đặc biệt ấn tượng. Thực ra, tôi muốn dùng một từ khác cho xứng đáng hơn, ví dụ như “xuất sắc”, hay mạnh mẽ hơn như “phi thường”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, hạ bớt “âm lượng” khen chê có lẽ là phù hợp .

Còn có thể ghi thêm vào bảng thành tích đáng nể năm 2021 của Bình Dương nhiều kết quả khác - ví dụ như thu hút FDI đạt 2,6 tỷ đô la Mỹ, vượt 14,9% kế hoạch năm và đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh; hoặc xuất khẩu vẫn tăng trưởng 13,5%, nhập khẩu tăng trưởng 14,7%… Trong bối cảnh dịch bệnh, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng, chi phí logistics tăng vọt, lưu thông hàng hóa bị nghẽn mà đạt được kết quả kinh tế đối ngoại như vậy thì quả thật là đáng nể.

- Để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, theo ông Bình Dương nên làm thế nào?

- Bài toán đặt ra là rất thách thức. Nhưng có như thế mới xứng đáng với Bình Dương. Vì thế, chắc chắn có rất nhiều việc phải làm, trong đó có nhiều việc khó, rất khó. Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh hai việc phải làm có tính nguyên tắc. Một là kiên trì nguyên tắc kinh tế thị trường - mở cửa - hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện đại. Bình Dương đã từng khẳng định thương hiệu với phương châm “xin cơ chế, không xin tiền” với tinh thần đoạn tuyệt với cơ chế xin - cho. Bình Dương đã thành công. Giờ đây, Bình Dương hãy tiếp tục thành công với thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Hai là nỗ lực phát triển với tinh thần đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá phát triển, coi đây là sự đóng góp xứng đáng cho quốc gia, và để người dân Bình Dương “không ai tụt lại phía sau”. Quỹ đạo này Bình Dương đã xác lập, đang vận hành tốt. Bình Dương hãy tiếp tục tiến lên theo logic đó.

Rõ ràng, đó chỉ có thể là kết quả của một sự nỗ lực phi thường, của riêng Bình Dương và của cả nước chung sức, “chia lửa” với Bình Dương, hỗ trợ Bình Dương chống dịch, thoát dịch và nối nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng và lao động. Nhìn sâu xa hơn, có thể nhận định thế này: Quá trình phát triển thành công suốt hơn 20 năm qua đã giúp Bình Dương khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, đến khi Bình Dương gặp khó, cùng với tinh thần tương thân tương ái, chính trách nhiệm phát triển quốc gia đã thúc đẩy cả nước chung sức đồng lòng, cùng với nỗ lực tự thân đầy can trường của Bình Dương, giúp Bình Dương thoát hiểm nhanh.

Tất nhiên, có thể nêu nhiều nguyên nhân cụ thể khác, cộng hưởng với nhau, hợp lực tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm và hành động quyết liệt của Chính phủ cho đến nỗ lực cao độ của chính quyền địa phương, của mỗi người dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp FDI. Nhưng tất cả điều đó đều đã được ghi nhận và được kể đến nhiều, không nhất thiết phải lặp lại ở đâ y.

- Bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo ông bức tranh kinh tế của Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng và sức hút đầu tư còn được như vậy không, thưa ông?

- Sang năm 2022, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều chắc chắn là loài người đã bắt đầu kiểm soát được tình hình, đã có nhiều công cụ để chế ngự dịch bệnh. Chúng ta sẽ bước vào quỹ đạo “bình thường mới”. Trong điều kiện đó, không có lý gì để không tin Bình Dương sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, thu hút đầu tư mạnh một cách vững vàng. Năm 2021 khó khăn như vậy mà kinh tế Bình Dương vẫn vượt qua được.

Tôi chỉ nghĩ đến một điều: Năm 2022 và cả những năm sau đó, Bình Dương sẽ tiếp tục vươn tầm phát triển chứ không đơn thuần là trở lại quỹ đạo thành công cũ. Tăng trưởng sẽ định hướng chất lượng cao hơn, thu hút đầu tư “đẳng cấp” hơn, để đưa Bình Dương trở lại quỹ đạo đua tranh phát triển quốc tế tầm cao - như tỉnh đã nỗ lực thành công trong mấy năm qua.

- Ngay khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đối ngoại, thu hút đầu tư, nỗ lực phấn đấu để đạt được những mục tiêu, khát vọng vươn lên của tỉnh. Ông đánh giá như thế nào về những “bước đi” của Bình Dương trong xây dựng thành phố thông minh thời gian qua, cũng như trong giai đoạn mới?

- Logic phát triển xưa nay của Bình Dương là “tiến vượt”. Từ việc tiên phong phát triển các khu công nghiệp “đời mới” với VSIP dẫn đầu cho đến xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương hiện đại. Hiện nay là xây dựng thành phố thông minh, phát triển Khu công nghiệp Khoa học - Công nghệ, tất cả đều là những bước đi theo cách thay đổi đẳng cấp phát triển chứ không phải theo logic “tuyến tính”, từng bước tuần tự.

Tôi có tham gia một số cuộc hội thảo quốc tế về phát triển đô thị thông minh do Bình Dương đăng cai tổ chức, đã ít nhiều trải nghiệm cuộc sống ở đây, qua đó, cảm nhận thực về cách đi hiện đại hóa của Bình Dương, về trình độ phát triển thực tế của đô thị Bình Dương hiện đại. Quá trình đó diễn ra chưa lâu, không ồn ào nhưng thật sự mãnh liệt. Nó thể hiện khát vọng phát triển được hun đúc có lẽ là “từ thuở mang gươm đi mở cõi” - như câu thơ mà một vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy vẫn hay đọc cho tôi nghe khi còn tại vị - của vùng đất miền Đông kiên cường này. Thực sự tôi nghĩ Bình Dương đã lựa chọn được cách đi khôn ngoan của “kẻ đi sau”, biết tận dụng lợi thế “đi sau để vượt trước”. Tất nhiên, còn nhiều chuyện phải bàn, và không phải mọi thứ đều ngọt ngào như mong muốn. Song xu hướng phát triển đã định, phù hợp với xu thế thời đại và của đất nước rồi. Không có lý gì để không đặt niềm tin vào tương lai mà Bình Dương đang hướng tới.

Xin chúc Bình Dương tiếp tục thành công!

- Xin cám ơn ông!

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên