Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại Bình Dương (BD) trong thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng công tác này chưa đáp ứng đủ nhu cầu rất lớn của nông dân.
Đẩy mạnh đào tạo
Tuy nông nghiệp (NN) chỉ còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh nhưng có thể nhận thấy vai trò của NN là hết sức quan trọng và giá trị sản xuất của NN BD ngày càng tăng. Trong quá trình phát triển của NN BD trong giai đoạn tới, NN công nghệ cao, các mô hình hiện đại có hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được chú trọng phát triển. Để ngành NN BD có thể có được các bước phát triển cao trong giai đoạn tới, công tác đào tạo nghề cho nông dân là hết sức cần thiết nhằm tạo ra nguồn lao động có hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Hiện nay, dân cư sống tại khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khoảng 60% dân số toàn tỉnh, vì vậy việc đào tạo nghề cho LĐNT cũng được xem là một yêu cầu cần thiết nhằm phục vụ tốt cho quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT BD được mở rộng và đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo như: đào tạo nghề truyền thống ở các làng nghề; đào tạo nghề phục vụ cho nhu cầu lao động các khu, cụm công nghiệp; đào tạo nghề cho lao động NN... Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở đào tạo nghề, hàng năm đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 46.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%.
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Bình Dương (TT) là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề trong LĐNT. Trong giai đoạn 2007-2010, TT đã mở 53 lớp đào tạo nghề cho 2081 hội viên nông dân tham gia với các ngành nghề: khai thác mủ cao su, trồng nấm, trồng rau mầm, chăm sóc sinh vật cảnh... Các lớp đào tạo nghề này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống của cư dân nông thôn.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Việc đào tạo ngắn hạn và tại chỗ với hình thức cầm tay chỉ việc, lý thuyết ít, thực hành nhiều đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho nhu cầu học nghề của nông dân. Ngành nghề đào tạo cũng được mở rộng ra các nghề với một số nghề mới như: nuôi cá cảnh, kỹ thuật thiết kế sân vườn, kỹ thuật chăn nuôi thú y nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học của nông dân nhất là trong việc chăn nuôi các loại động vật có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn thiếu các mô hình chuẩn làm kiểu mẫu cho nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Trong giai đoạn 2007-2010, tại huyện Phú Giáo, các lớp dạy trồng nấm đã được tổ chức cho nông dân và bước đầu đã đạt được kết quả khích lệ. Có 3 lớp đã được mở với 130 học viên tham gia. Hầu hết các học viên đều nắm vững các lý thuyết và thực hành có hiệu quả. Nhiều học viên đã tự xây dựng được các trang trại nấm và bước đầu đã cho thu nhập ổn định. Song, vẫn còn các hộ nông dân sau khi học xong không có khả năng xây dựng được các mô hình do thiếu vốn sản xuất nên không áp dụng được các kỹ thuật đã học vào thực tế. Có khi mô hình đã được xây dựng, cho thu hoạch cao nhưng khi đem sản phẩm đi bán lại không có nơi tiêu thụ ổn định.
Hiện số lượng nông dân tham gia các lớp học vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu chung của nông dân trên địa bàn tỉnh. Một phần do nhận thức về việc học nghề trong nông dân còn hạn chế và phần khác là các lớp học mở ra chưa nhiều, chưa thường xuyên, các đối tượng học còn mang tính chọn lọc. “Nhiều thanh niên nông thôn tại xã tôi không tiếp tục học mà nghỉ ngang để đi cạo mủ cao su. Do chỉ được chỉ bảo sơ sài từ những người thân rồi bắt tay vào làm luôn nên vườn cây thường bị cạo phạm, sản lượng mủ không cao. Có người muốn học nghề nhưng không có điều kiện do lớp học có hạn, đối tượng và địa điểm học cũng xa nhà” - một nông dân chia sẻ.
Trước tình hình phát triển NN BD trong tình hình mới với yêu cầu yếu tố kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều và với việc Bình Dương đang trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới năm 2020, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trở nên rất quan trọng. Khi công tác đào tạo nghề được mở rộng và hiệu quả hơn sẽ tạo ra động lực cho NN nông thôn BD phát triển hơn.
Ông PHẠM VĂN HÀO - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh Bình Dương): Nguồn kinh phí chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu học nghề của nông dân
“Công tác đào tạo nghề của trung tâm trong thời gian qua đặc biệt quan tâm đến nông dân tại các vùng sâu, vùng xa. Chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn và tại chỗ theo nhu cầu thực tế tại các địa phương. Mỗi năm với những yêu cầu mới, trung tâm luôn xây dựng các kế hoạch đào tạo nhằm thực hiện tốt công tác này. Hàng năm qua các lớp đào tạo có từ 70 - 80% nông dân tự tạo được việc làm. Hiện nay tuy là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn tỉnh nhưng cơ sở vật chất, cán bộ trung tâm còn thiếu, nguồn kinh phí có hạn nên chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu học nghề của nông dân”.
Ông NGƯU TRÍ TUẤN, cán bộ bộ phận xóa đói giảm nghèo xã An Bình, huyện Phú Giáo: Việc mở lớp dạy nghề ngày càng khó khăn
“Trong thời gian qua, xã cũng đã tập trung mở các lớp dạy cạo mủ cao su cho nông dân trên địa bàn xã nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên càng ngày việc mở các lớp này càng khó khăn do cùng với giá mủ cao su lên cao thì việc tìm mua các cây làm mẫu thực hành cũng ngày càng khó hơn do giá được đẩy lên cao”.
CAO SƠN