Đây được coi là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt đối với sản phẩm trong nước.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị, T.W Đảng phát động có sức tác động và lan tỏa đến tâm lý tiêu dùng của người Việt. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự trở thành sự lựa chọn ưu tiên của người Việt, con đường phía trước vẫn còn dài.
80% người tiêu dùng chuộng hàng dệt may nội địa
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, có 80% người tiêu dùng (NTD) Việt chuộng hàng dệt may nội địa. Cùng với mặt hàng dệt may, nhiều sản phẩm nội địa khác cũng chiếm được lòng tin của NTD, như sản phẩm rau quả là 58%, các sản phẩm đồ gia dụng 49%, vật liệu xây dựng, đồ nội thất 38%, thuốc men, dược phẩm, dụng cụ y tế là 26%,... Các cửa hàng, hệ thống siêu thị cũng bày bán nhiều hơn các loại hàng hóa mang thương hiệu Việt. Cá biệt tại một số siêu thị, hàng Việt Nam chiếm tới 98%.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Trong 5 tháng đầu năm 2011, Sở Công thương các tỉnh, thành tổ chức gần 50 đợt bán hàng về nông thôn và các tỉnh biên giới với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia. Qua đó cho thấy, hàng Việt không chỉ thu hút được người dân bản địa mà còn thu hút được đông đảo NTD của các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Trung Quốc. So với năm 2010, số doanh nghiệp tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2011 tăng 18%".
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm nay tổ chức ngày 7/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, tiềm năng để phát triển sản phẩm trong nước vẫn còn lớn. Hiện nền sản xuất trong nước mới chiếm lĩnh được từ 30 - 50% nhu cầu thị trường đối với nhiều loại hàng hóa tiêu dùng. Ngay những mặt hàng là thế mạnh của nền kinh tế đất nước như nông sản, dệt may, da giày,… thị trường cũng bị một lượng đáng kể hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh gay gắt.
Hàng Việt về nông thôn
Thực trạng này dẫn tới hệ quả là hàng năm, đất nước phải nhập khẩu nhiều chục tỷ USD hàng hóa, thiết bị các loại, trở thành bài toán khó cho cán cân thanh toán, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi, một phần không nhỏ lượng hàng nhập khẩu này, trong nước hoàn toàn có thể tự sản xuất để thay thế. Tuy nhiên, để duy trì được sự cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải nâng cao “lòng tin” của người Việt với hàng Việt.Nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đưa ra nhiều giải pháp và thu được những kết quả tích cực nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại, đặc biệt là các mặt hàng từ Trung Quốc. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập siêu tới 6,5 tỷ USD. Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu hẻo lánh, các sản phẩm nước ngoài vẫn hoàn toàn áp đảo.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng: “Càng đi sâu vào các vùng sâu vùng xa, hàng ngoại càng chiếm lĩnh thị trường. Muốn cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt phải nắm bắt được quy luật vận hành và dòng chảy của hàng hóa, đồng thời cần có “một chính sách chuyên nghiệp cũng như xây dựng một bản đồ phân phối hàng hóa cho thị trường”. Đưa hàng về nông thôn là xây dựng căn cứ địa về lâu dài cho hàng Việt. Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải kiên trì và làm mới phương thức vận động, tiếp cận của mình. Đó là cách chúng ta dần dần giành lại thị phần và góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt”.
Đánh giá về những hạn chế, tồn tại của Cuộc vận động, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý Nhà nước để tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt đáp ứng yêu cầu của NTD chưa thực hiện tốt, đặc biệt là hàng giả, hàng gian lận thương mại, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được giải quyết triệt để. Việc đưa hàng Việt về với NTD ở nông thôn vẫn còn lúng túng, mang tính thời vụ.
Còn ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch T.W Hội Nông dân Việt Nam nêu thực tế, một nửa người dân ở nông thôn chưa hiểu gì về cuộc vận động.
Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, bản thân mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, còn người tiêu dùng Việt phải yêu hàng Việt, hỗ trợ để hàng Việt phát triển. Đây là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt đối với sản phẩm trong nước.
Theo VOV