Phân biệt COVID-19 và sốt xuất huyết

Cập nhật: 02-12-2022 | 03:17:34

 Sốt xuất huyết và Covid-19 là hai bệnh do hai loại vi rút khác nhau gây ra nhưng đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có một số triệu chứng dễ gây nhầm lẫn. Người nhiễm bệnh có thể chuyển biến nặng và tăng nguy cơ tử vong. Người dân cần phân biệt rõ những dấu hiệu của từng bệnh để có phương án chăm sóc và điều trị tối ưu nhất nhằm hạn chế những biến chứng.

 Phân biệt bệnh nhân mắc Covid-19 và bệnh nhân SXH để có phương án chăm sóc và điều trị tốt nhất nhằm hạn chế những biến chứng

Điểm chung giữa sốt xuất huyết và Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết (SXH) do vi rút Dengue đều có thể dẫn tới tử vong. Cách điều trị lâm sàng đối với những người mắc thể nặng ở 2 bệnh này tương đối khác nhau và cần phải điều trị tại bệnh viện. Tất cả độ tuổi đều có khả năng mắc Covid-19. Tuy nhiên, những người đang mắc đồng thời các bệnh lý nền khác như tiểu đường hay tim mạch thì có nguy cơ bị nặng cao hơn. Bệnh nhân nghi ngờ mắc SXH hoặc Covid-19 nên được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các biểu hiện sớm. Ngoài ra, việc thực hiện các xét nghiệm thích hợp nhằm chẩn đoán sớm SXH hay Covid-19 là rất cần thiết.

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Do các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm của Covid-19 tương tự như các dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue (SXHD) nên dịch bệnh Covid-19 và SXHD là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm đặc biệt. Sự tương đồng về các triệu chứng khiến cho việc xác định và điều trị hai bệnh trở nên khó khăn. Mặc dù có những điểm giống nhau về các triệu chứng lâm sàng như sốt, nhức đầu và đau toàn thân, cũng như các phát hiện xét nghiệm như giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu nhưng việc quản lý, điều trị bệnh nhân của hai bệnh này lại rất khác nhau. Sử dụng các xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm ELISA sẽ giúp xác định chẩn đoán bệnh.

Dấu hiệu, triệu chứng của SXHD và Covid-19

Bệnh nhân SXHD thường sẽ đột ngột bị sốt cao, đỏ bừng mặt, phát ban da, đau cơ toàn thân, đau cơ, đau khớp và đau đầu, là tất cả các triệu chứng của giai đoạn sốt cấp tính, có thể kéo dài từ 2 - 7 ngày. Một số bệnh nhân có thể bị đau họng, viêm hầu họng, viêm kết mạc. Các triệu chứng toàn thân như chán ăn, buồn nôn, nôn cũng có thể xảy ra. Rất khó phân biệt trên lâm sàng trong giai đoạn đầu của bệnh SXH với bệnh không SXH. Tại thời điểm này, xét nghiệm garô dương tính (nghiệm pháp dây thắt dương) làm tăng khả năng chẩn đoán bệnh SXH.

Ngoài ra, các dấu hiệu lâm sàng này không thể được phân biệt giữa các trường hợp SXH nặng và không nghiêm trọng. Do đó, việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo và các thông số lâm sàng khác là rất quan trọng để nhận biết bệnh tiến triển sang giai đoạn bệnh nặng. Nếu SXH tiếp tục tiến triển, bệnh có thể gây ra các biểu hiện chảy máu nhẹ như chấm xuất huyết ở da và chảy máu niêm mạc (mũi và lợi). Chảy máu âm đạo ồ ạt (ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) và chảy máu đường tiêu hóa là có thể xảy ra. Sau khi sốt vài ngày, gan thường xuyên bị sưng và đau. Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu có thể giảm dần, điều này cho thấy khả năng cao là của bệnh SXH.

Ở những bệnh nhân bị Covid-19, bệnh có thể gây ra các dấu hiệu, triệu chứng khác nhau ở những người khác nhau. Hầu hết những người bị nhiễm bệnh sẽ mắc bệnh từ mức độ nhẹ đến trung bình hoặc tự khỏi mà không cần nhập viện. Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Covid-19 bao gồm sốt, ho, mệt mỏi và mất vị giác hoặc khứu giác. Ngoài ra, các triệu chứng ít phổ biến hơn có thể xảy ra, bao gồm đau họng, đau đầu, đau nhức, tiêu chảy, phát ban trên da hoặc đổi màu ngón tay hoặc ngón chân, mắt đỏ hay ngứa.

Dịch bệnh Covid-19 và SXHD rất khó phân biệt trong giai đoạn đầu vì hai bệnh có đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm rất giống nhau. Các triệu chứng lâm sàng chung như sốt, nhức đầu và ho có ở phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm bệnh Covid-19. Tương tự, các triệu chứng lâm sàng sốt, phát ban trên da là triệu chứng lâm sàng của bệnh SXH. Các triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn đầu như sốt, đau cơ, nhức đầu thường thấy ở bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19 và SXHD. Tuy nhiên, các triệu chứng liên quan đến hô hấp như đau họng, ho và mất khứu giác và vị giác cần được xác nhận bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định nhiễm bệnh Covid-19.

Phương pháp tiếp cận để chẩn đoán sớm giữa bệnh nhân SXHD và bệnh Covid-19 có thể dựa vào số lượng bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào lympho, NLR và giảm tiểu cầu trong tuần đầu tiên có triệu chứng. Giảm tiểu cầu phổ biến hơn ở bệnh nhân SXHD và nó có thể xảy ra mà không kèm theo sốt. Trong khi đó, những bệnh nhân bị bệnh Covid-19 thường sẽ có số lượng tiểu cầu thấp vài ngày sau đó rồi sốt lâm sàng. Bệnh nhân SXHD thường được đưa vào phòng cấp cứu sớm hơn vì sốt cao xuất hiện sớm hơn bệnh nhân Covid-19.

Trong số rất nhiều điểm tương đồng trong giai đoạn đầu giữa SXHD và Covid-19, có những điểm khác biệt chính có thể giúp chẩn đoán phân biệt:

Dịch bệnh Covid-19 thường được xác định là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và các triệu chứng ho sẽ xuất hiện ở 75% các trường hợp và 25% còn lại sẽ bị ho có đờm; điều này rất ít khi gặp ở bệnh nhân SXHD.

Các triệu chứng đau họng và chảy nước mũi xảy ra ở bệnh Covid-19 không được tìm thấy ở bệnh nhân SXHD.

Kết quả xét nghiệm đối với SXHD sẽ cho thấy tăng bạch cầu đơn nhân, giảm bạch cầu lympho và giảm tiểu cầu nhưng tình trạng này không xảy ra ở bệnh Covid-19.

 HOÀNG LINH - GIANG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên