Sáng 17-11, tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị
Nhiều kết quả tích cực
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; đồng thời, hỗ trợ các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách cũng như nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như: việc làm, y tế , giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.... Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Chương trình bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1- 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Cả nước có 9 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; 4 địa phương ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Dự kiến hết năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao). Đến cuối năm 2023, cả nước có 10/54 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Trung ương phân bổ nguồn kinh phí 48.000 tỷ đồng. Trong đó, gồm có vốn đầu tư phát triển là 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 28.000 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng, trong đó, 2.700 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 9.990 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Kết quả giải ngân vốn cho thấy, từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, đã giải ngân 5.595,889 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; 359,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và khoảng 121,955 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ban Chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như: Chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Ước tính, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.
Bước sang giai đoạn 2024 - 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia tiếp tục phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của Quốc gia. Cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm (đạt chỉ tiêu giảm bình quân 1-1,5%/năm Quốc hội, Chính phủ giao); 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng; xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế; tối thiểu 100.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet…
Giải pháp giảm nghèo bền vững
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu, các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chương trình hành động, thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai. Các địa phương tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các địa phương cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, xã hội; nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Bộ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 2023 và nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hết năm 2023 giải ngân tối thiểu đạt 95%; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ sớm, đủ nguồn vốn của cả Chương trình cho năm 2024, 2025 để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Bộ tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản thực hiện Chương trình theo thẩm quyền được giao; nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030...
Bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Đơn vị thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trong triển khai Chương trình tại địa phương.
Tham luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững; Chương trình tín dụng chính sách giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; giới thiệu một số mô hình, điển hình trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững... Các đại biểu kiến nghị, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương; các sở, ban ngành tại địa phương trong triển khai Chương trình; kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Theo TTXVN