Sáng 18-4, tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự hội nghị có ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐNB. Về phía tỉnh Bình Dương tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam bộ tham dự hội nghị. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Nhận diện “bức tranh” giáo dục vùng ĐNB
Theo Bộ GD&ĐT, về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã trong vùng ĐNB đều có trường mầm non, TH. Hầu hết các xã đều có trường THCS, các huyện đều có trường THPT. Tính đến năm học 2020-2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng hơn 1.000 cơ sở giáo dục so với giai đoạn năm học 2010- 2011. Tính đến tháng 6-2022, toàn vùng có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Số trường học đạt chuẩn tăng dần hàng năm tạo điều kiện thuận lợi để huy động số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua, GD&ĐT của vùng ĐNB đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, GD&ĐT của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp; vẫn còn tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều hạn chế…
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT của vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, GD&ĐT vùng ĐNB đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
Xuyên suốt hội nghị, đại diện các địa phương vùng ĐNB đã có những tham luận xoay quanh quá trình phát triển GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số trong GD&ĐT; phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018… Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, cũng như khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhằm phát triển GD&ĐT địa phương và cả vùng.
Theo bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, việc tinh giản biên chế ngành GD&ĐT không nên thực hiện theo hướng bình quân, cào bằng, mà thực hiện theo thực tế từng địa phương. Cần có chế độ chính sách, đãi ngộ cho giáo viên yên tâm công tác lâu dài. Đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cần có chế độ, chính sách giảm giá thành hoặc hỗ trợ miễn phí sách giáo khoa mới để bảo đảm điều kiện học tập cho các em… Đồng quan điểm với bà Minh, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị các bộ, ngành xem xét, tham mưu không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm bảo đảm đội ngũ đáp ứng với việc học sinh tăng hàng năm rất cao.
Về phía tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh cho biết, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian tới, Bình Dương sẽ huy động, tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp tục quan tâm, ưu tiên phát triển toàn diện lĩnh vực GD&ĐT ở nhiều cấp độ. Đồng thời, tỉnh có kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và căn cứ tình hình, điều kiện thực tiễn của tỉnh để bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp cho các cấp học theo từng năm, trung hạn, dài hạn nhằm bảo đảm cho học sinh có đủ chỗ học, nhất là con em công nhân lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của hệ thống GD&ĐT vùng ĐNB trong thời gian qua. Phó Thủ tướng khẳng định, ĐNB là trung tâm phát triển lớn nhất, đầu tàu lớn nhất về mọi mặt, kết quả này có sự đóng góp rất lớn của hệ thống GD&ĐT. Mặc dù vậy, vùng vẫn còn nhiều “điểm tối” đã được chỉ ra tại hội nghị. Vấn đề đặt ra là nên làm thế nào để giúp giáo dục vùng ĐNB vượt qua mọi thách thức, đạt được nhiều thành tích như kỳ vọng.
“Để làm được điều này, các địa phương cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị để có quy hoạch cụ thể về phát triển mạng lưới GD&ĐT phù hợp với đặc thù của mỗi tỉnh, chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục. Các địa phương cần xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, vì vậy cần tiến hành đổi mới các mô hình, tổ chức, đi tiên phong trong các hoạt động để đào tạo, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng vùng ngày càng phát triển”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
HỒNG PHƯƠNG