Khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đặt tại phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát hiện đang thực hiện xử lý rác sinh hoạt thành phân compost với công suất 840 tấn/ngày. Nhà máy sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt được kỳ vọng sẽ thay công nghệ chôn lấp tiêu tốn nguồn tài nguyên đất, không tận dụng được nguồn tài nguyên hữu cơ từ rác.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, nhiều người dân trong tỉnh vẫn trộn lẫn rác thải sinh hoạt, rác thải rắn vào chung một thùng rác, gây khó khăn cho đơn vị xử lý rác thải. Việc làm này vô hình trung gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và hạn chế việc khai thác tái chế nguồn rác thải thành năng lượng, phân bón phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.
Hiện nay, Bình Dương đã có nhà máy phát điện sản xuất năng lượng từ rác, nhà máy sản xuất phân bón từ rác hữu cơ… Vấn đề quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn chính là ý thức của người dân. Bởi khi phương tiện phân loại và thu gom được đầu tư nhưng không thay đổi cách nghĩ và hành vi của cộng đồng thì vẫn không thể thành công. Thực tế trong thời gian qua, có nhiều địa phương trong cả nước triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhưng vẫn không thành công. Bởi, dù được đầu tư các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng người dân trong khu vực dự án không được trang bị những kiến thức cần thiết về phân loại rác tại nguồn.
Bình Dương đang rất nỗ lực bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ xử lý rác thải đang được tỉnh nhà vận hành để tận dụng nguồn rác thải thành nguồn nguyên liệu, năng lượng. Bình quân mỗi ngày Bình Dương tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt. Nếu người dân không ý thức vai trò quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn thì nguồn rác thải chỉ có thể đem đi chôn lấp, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa bỏ phí nguồn tài nguyên rác mà tỉnh nhà đã có công nghệ để xử lý rác thải trở thành năng lượng, phân bón… cần thiết cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
HOÀNG PHONG