Triển khai chương trình phân loại rác thải tại nguồn kết hợp làm men vi sinh bản địa (IMO), đến nay xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) đã có 1.720 hộ tham gia thực hiện (đạt 60,58%). Thông qua mô hình người dân đã từng bước hình thành ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.
Anh Phạm Hoàng Tuấn, ấp Điều Hòa dùng men vi sinh IMO chăm sóc cây trồng
Hiệu quả nhiều mặt
Trong khu vườn khoảng hơn 4.000m2 được anh Phạm Hoàng Tuấn, tổ 13, ấp Điều Hòa trồng các loại cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng. 2 năm nay, anh Tuấn không sử dụng biện pháp thủ công để cải tạo đất thoái hóa mà sử dụng chế phẩm IMO giúp đất mềm, cây tươi tốt.
Anh Tuấn cho biết: “Làm IMO lỏng rất dễ với các thành phần cám, đường, chuối chín và men tiêu hóa trộn đều, sau đó buộc chặt vào một bao tải, cho vào thùng nước, ủ trong vòng 8 tiếng sẽ cho ra chất IMO lỏng. Khi tưới cây pha tỷ lệ 1 lít IMO với 100 lít nước. Nếu tưới chất IMO lỏng trực tiếp cho cây, ngay sau đó phải tưới thêm nước nếu không cây sẽ bị nóng. Tùy từng loại cây mà có định lượng tưới khác nhau”.
Theo anh Tuấn, chế phẩm IMO còn có tác dụng ăn các côn trùng có hại, khử được mùi hôi. Từ IMO gốc còn có thể dùng để ủ phân hữu cơ dạng khô. Rác thải hữu cơ như rau củ quả, rơm rạ dư thừa được anh vun vào các góc vườn sau đó dùng chất IMO lỏng đổ trực tiếp lên, phần rác này sẽ phân hủy thành phân hữu cơ giúp cây tươi tốt.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhung, tổ 5, ấp Bình Hưng cũng cho rằng mô hình làm men vi sinh IMO có hiệu quả cao đối với chăm sóc cây trồng cũng như bảo vệ môi trường. Dẫn chúng tôi xem những gốc bưởi đang lên chồi xanh mơn mởn, chị cho hay: “Những gốc bưởi này gia đình đã chặt bỏ tưởng không thể phục hồi. Khi tưới thử chất lỏng IMO, cây hồi sinh, đâm chồi. Thời gian đầu mới được tập huấn, tôi chỉ làm thử nghiệm, về sau thấy hiệu quả tôi làm 4 thùng, mỗi thùng khoảng 20 lít, chủ yếu để tưới cho vườn bưởi của gia đình”.
Cũng từ chế phẩm IMO lỏng, cô Trần Thị Thanh Tâm, tổ 12, ấp Điều Hòa ngoài sử dụng để tưới cho cây kiểng, còn dùng để làm chất ủ thành phân hữu cơ dạng khô. Cô Tâm chia sẻ: “Từ công thức đã được hướng dẫn, tôi đã thực hiện để làm chế phẩm IMO lỏng, dùng chất này để ngâm ủ những rác thải khác. Đơn cử như tỏi, ớt băm nhỏ cho vào túi nhỏ dùng chất lỏng IMO ủ có thể làm chất xịt xua đuổi côn trùng. Thức ăn thừa, rau củ quả tôi cho vào thùng xốp, lấy chất IMO lỏng cho vào ủ. Nguyên liệu làm IMO lỏng đơn giản, đỡ tốn kém và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe”.
Người dân trên địa bàn xã thực hiện làm men vi sinh bản địa IMO
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết mô hình ủ phân vi sinh IMO được triển khai cuối năm 2022 trên địa bàn xã, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giảm lượng rác thải hữu cơ trong từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, mô hình này còn đem lại lượng phân vi sinh bón tưới, cung cấp dinh dưỡng, cải thiện chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng, góp phần bảo vệ nguồn nước và đất đai.
Tiếp tục nhân rộng
Theo lãnh đạo UBND xã, Bạch Đằng có thế mạnh về nông nghiệp nên việc thực hiện phân loại rác tại nguồn theo phương pháp vi sinh bản địa đã mang lại hiệu quả nhiều mặt. Để triển khai mô hình, UBND xã phối hợp cùng MTTQ, các đoàn thể cùng với ban điều hành các ấp triển khai đăng ký cam kết thực hiện đến từng hộ dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bà Hồ Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Điều Hòa, cho biết: “Xã tổ chức tập huấn, in ấn tài liệu phân phát cho các ấp. Chi hội Phụ nữ ấp kết hợp với hội, đoàn thể hướng dẫn cho người dân của ấp mình. Ngoài ra, ấp còn thành lập câu lạc bộ IMO bao gồm 20 thành viên để thực hiện công tác tuyên truyền, lồng ghép chương trình trong các cuộc họp. Toàn ấp có 515 hộ, đến nay 60% các hộ đều thực hiện mô hình IMO”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết thêm thời gian đầu triển khai người dân còn bỡ ngỡ, nhưng với sự phối hợp tuyên truyền sâu rộng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình IMO, phấn đấu toàn xã có trên 80% hộ thực hiện.
TIẾN HẠNH