Phân loại rác thải tại nguồn: Rất cần sự chung tay thực hiện của người dân

Thứ năm, ngày 25/07/2024

(BDO) Với dân số tăng cơ học cao, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt tăng tương ứng. Mỗi ngày Bình Dương có khoảng 2.200 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường. Xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư là một vấn đề mà tỉnh luôn quan tâm, phấn đấu đạt mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý triệt để.

 Nhà máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt rác không thể tái chế có công suất 5MW

 Tỷ lệ phân loại chưa cao

Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase, cho biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị ngày càng nhanh đem lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội. Song, đi cùng là vấn đề môi trường đang cần hướng giải quyết phù hợp phát triển bền vững. Biwase với vai trò, nhiệm vụ được giao đã và đang đóng góp tích cực cho Bình Dương trong công tác bảo vệ môi trường.

Hồi đầu năm 2024, Biwase đưa vào vận hành nhà máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ đốt rác công suất phát 5MW, đây cũng là giải pháp để đơn vị hoàn thành kế hoạch không còn rác thải chôn lắp, thay vào đó các loại rác thải không thể tái chế sẽ được đốt và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện.

Ông Ngô Chí Thắng chia sẻ thêm, việc phân loại rác thải tại nguồn tốt sẽ góp phần giảm chi phí xử lý rất lớn. Sau thời gian thí điểm công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh cho thấy tỷ lệ rác được phân loại chưa cao. Rác thải sinh hoạt có 65% rác thải hữu cơ, còn lại những rác thải rắn khác về đến nhà máy tiếp tục được đơn vị tổ chức phân loại mới có thể xử lý, tái chế đúng quy trình. Điều này kéo dài thời gian phân loại, sẽ tốn thêm chi phí để xử lý.

“Rác thải tại các nơi thí điểm khi đưa về nhà máy vẫn còn tình trạng lẫn lộn với tỷ lệ rác hữu cơ, vô cơ rất cao. Chúng tôi phải tiếp tục vận hành dây chuyền, kể cả máy móc cũng như thủ công để phân loại rác thải và xử lý theo quy trình”, ông Ngô Chí Thắng chia sẻ.

Cần có cơ chế khuyến khích

Theo các chuyên gia, việc phân loại rác tại nguồn chính là yếu tố quyết định đến giá thành, chi phí xử lý. Rác được phân loại, xử lý tốt từ nguồn sẽ kéo giảm chi phí, người dân chắc chắn được thụ hưởng từ việc giảm phí thu gom, xử lý rác cần phải trả, đơn vị xử lý cũng sẽ tiết giảm được chi phí hoạt động.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn Bình Dương, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tăng cường tái sử dụng, tái chế, góp phần tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 Theo Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase, rác thải dù đã phân loại tại nguồn nhưng vẫn còn lẫn lộn các loại với tỷ lệ khá cao, khi đến nhà máy lại phải tiếp tục phân loại để xử lý

Theo dự thảo tờ trình đơn giá chủ nguồn thải hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tại TP.Thủ Dầu Một đơn giá từ 41.000 cho hộ gia đình và phòng trọ được đề xuất tăng lên 51.000 - 54.000 đồng/ tháng; TP.Dĩ An mức tăng từ 42.000 đồng lên 50.500 đồng hộ gia đình và cá nhân; phòng trọ từ 28.000 đồng tăng lên 34.000 đồng/tháng... Tại các địa phương, tùy chủ nguồn thải cũng được đề xuất điều chỉnh mức giá thu năm 2024 tăng lên tương tự. Trong khi đó, ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase, cho biết đến nay đơn vị vẫn duy trì mức phí xử lý 527.000 đồng/tấn CTRSH, hiện chưa có kế hoạch điều chỉnh đơn giá mới.

Vấn đề điều chỉnh mức thu, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng cần điều chỉnh nhưng phải hợp lý. Việc điều chỉnh mức phí phải phù hợp với đời sống, thu nhập của đại bộ phận người dân, đặc biệt là người lao động, công nhân ở trọ, người có thu nhập thấp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có cơ chế để việc phân loại rác thải tại nguồn theo hướng khuyến khích người dân. Ngoài việc giảm phí, cần đầu tư các thùng rác có màu sắc chuyên biệt để cung cấp cho người dân phân loại ngay tại hộ gia đình, hàng ngày ngoài xe thu gom rác hữu cơ, có thể định kỳ theo ngày cần có xe thu gom rác phù hợp để người dân có thể bỏ rác cồng kềnh, rác thải kim loại rắn… nhằm phân loại rác thải tại nguồn có kết quả cao hơn.

 Tiến tới phân loại rác tại nguồn từ ngày 1-1- 2025, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương đang gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để thực hiện đồng bộ trên cả nước. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, mới đây nhất là hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

 MINH DUY