Phảng phất mùi trầm hương trong lòng phố…

Cập nhật: 06-01-2023 | 01:46:50

 Những ngày cuối năm, trong không khí se se lạnh vào buổi sáng của đất trời miền Nam, len theo mùi hương trầm thoang thoảng ngay từ đầu con phố Nguyễn Tri Phương, TP.Dĩ An, chúng tôi tìm đến cơ sở nhang duy nhất còn lại của “xóm nhang” có từ hơn 100 năm về trước. Không khí tất bật cuối năm khiến lòng người bỗng xốn xang hơn, thoảng trong không gian mùi nhang trầm, nhang quế. Giật mình, tết đã đến thật gần...

 Cơ sở sản xuất nhang của anh Nguyễn Hữu Vinh bắt nhịp thị trường để phát triển. Trong ảnh: Tăm nhang được phơi nắng sau khi nhuộm màu

 “Chạm mùi” khói nhang

Đi từ ngoài đường lớn vào tận sâu bên trong, hình ảnh những bó nhang lớn với đủ sắc đỏ, vàng hệt như những bức tranh nghệ thuật khổng lồ lung linh dưới nắng. Anh Nguyễn Hữu Vinh, người con trai út của gia đình ông Sáu Âu (người duy nhất còn gìn giữ và duy trì nghề làm nhang tại Dĩ An suốt 100 năm qua), chia sẻ gia đình anh có 7 anh chị em thì có 5 người theo nghề làm nhang gia truyền.

Theo lời anh Vinh, xưa kia, nơi đây từng là một xóm nhang rất hưng thịnh, chủ yếu là chẻ tăm nhang và se nhang. Sau này, khi Dĩ An trở thành địa phương phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, người dân cũng dần bỏ nghề đi vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc hoặc chuyển qua kinh doanh thương mại - dịch vụ. Chỉ duy nhất gia đình anh là vẫn còn giữ nghề và sống với nghề.

Thay vì chỉ chẻ tăm nhang rồi bán cho các cơ sở làm nhang như trước, vừa vất vả lại thu nhập không cao, năm 2005, gia đình ông Sáu Âu quyết định chuyển qua làm nhang. Ông và các con mày mò học hỏi bởi nghề này cũng lắm công phu, đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay người thợ. Nguyên liệu để làm ra một cây nhang cũng vô cùng đa dạng. Từ nhuộm chân tăm, phơi khô, đến quy trình trộn bột cũng rất kỳ công, phải trộn bột gỗ, mạt cưa, keo bờ lờ, nước và mùi hương… hài hòa với tỷ lệ sao cho khi thắp, nhang tỏa mùi thơm và lâu tàn.

Anh Vinh cho biết anh chị em trong gia đình đều được cha cho học hành tử tế, có nghề nghiệp ổn định. Nhưng ngoài 2 chị lớn là không tiếp tục theo nghề nữa do không đủ sức quản lý, 5 người còn lại đều nối nghiệp cha. Giờ đây, 5 người con có 5 cơ sở sản xuất, hỗ trợ nhau cùng duy trì và phát triển nghề nhang gia truyền này.

“Lớn lên trong gia đình làm nghề nhang, rồi cái nghề nó ăn sâu vào trong máu chúng tôi lúc nào không hay, ngày nào cũng ngửi mùi thơm của nhang nên “nghiện” luôn. Nhang của chúng tôi hoàn toàn làm từ nguyên liệu sạch, không tẩm bất cứ hóa chất nào. Nếu người trong nghề, chỉ ngửi mùi là biết nhang có hóa chất hay không. Nhang sạch mùi thoang thoảng rất nhẹ, không nồng gắt. Thảo dược làm nhang hiện nay chủ yếu từ quế, trầm, đinh lăng, hương bài... Đây cũng chính là nét đặc trưng tạo nên thương hiệu của mỗi cơ sở sản xuất. Bởi thế, trong quá trình làm nhang thì trộn bột là khâu khó nhất, nó đòi hỏi người thợ phải khéo tay và có kinh nghiệm”, anh Nguyễn Hữu Vinh chia sẻ.

Nâng tầm thương hiệu

Với sự năng động của tuổi trẻ, nắm bắt thị trường và không nằm ngoài xu thế tất yếu, anh Nguyễn Hữu Vinh đang tích cực đẩy mạnh việc đưa sản phầm nhang của gia đình mình lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và các mạng xã hội Facebook, Zalo… Anh Vinh cho biết: “Để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử, sản phẩm phải đạt được chất lượng. Vừa mới đây, xưởng đã cho ra dòng sản phẩm nhang sạch từ thảo dược, trầm, quế… do nhu cầu đơn đặt hàng nhiều. Sang năm chúng tôi sẽ tập trung mở rộng sản xuất những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng”.

Ngoài cơ sở ở phường Dĩ An, riêng anh Vinh còn có 3 xưởng sản xuất nhang ở phường Tân Bình (TP.Dĩ An), TX.Tân Uyên và tỉnh Trà Vinh. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất đi nước ngoài khoảng 3 container, mỗi container thu về khoảng 400 triệu đồng. Sản phẩm nhang của xưởng anh Vinh hiện đều đặn được xuất đi các nước Đài Loan, Singapore và Malaysia. Chỉ riêng thị trường trong nước, mỗi tháng anh cung cấp từ 15.000 - 20.000 thiên (mỗi thiên 1.000 cây nhang) cho thị trường Bình Dương và các tỉnh, thành khác như Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An…

Anh Vinh hy vọng việc tận dụng được các thị trường thông qua thương mại điện tử, sẽ mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ như gia đình anh được tiếp cận thị trường rộng lớn với sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường; đồng thời vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.

Bám trụ với nghề

Vừa thoăn thoắt đôi tay bỏ nhang vào máy trộn bột, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, thợ làm nhang lâu năm vừa cho biết bà làm nghề nhang cũng gần 20 năm. Trước đây làm hoàn toàn thủ công nên rất vất vả. Thợ làm nhang phải thường xuyên theo dõi, quan sát, phải canh để trở mẻ nhang cho đều nắng. Nhang phơi đủ nắng có mùi thơm, giữ được lâu. Nhưng để quá nắng thì nhang lại bị cong, không đẹp. Còn trời mưa mà chạy không kịp, bột nhang sẽ bị rã ra, mẻ nhang đó coi như bỏ. Bây giờ làm nhang có máy sấy, không lo nắng mưa, có máy trộn và se nhang tự động nên đỡ cực hơn nhiều, cây nhang cũng đẹp và đều hơn nhang se thủ công trước đây. Nghề này lúc trộn bột là khó nhất, phải trộn sao cho mịn và đều keo, độ ẩm đạt yêu cầu để khi máy phóng nhang dễ kết dính và bám vào chân nhang.

 Bà Ngọc với khâu trộn bột và cho nhang vào máy phóng nhang

Cơ sở làm nhang tại phường Dĩ An của anh Nguyễn Hữu Vinh hiện có khoảng 30 nhân công. Do là nghề thủ công truyền thống nên công việc có thể làm quanh năm, thế nhưng thời điểm nhộn nhịp và tất bật nhất là vào những tháng cuối năm khi thị trường tết và dịp lễ hội đầu năm mới luôn cần rất nhiều nhang cho văn hóa tâm linh. Những người lao động làm nhang cũng vì thế mà bận rộn hơn các dịp khác trong năm.

Đã ở cái tuổi 60, bà Ngọc vẫn miệt mài làm nhang và chưa có ý định bỏ nghề. Bà nói: “Làm nghề này không giàu nhưng ổn định, có việc làm quanh năm. Gia đình tôi trước kia cũng ở xóm nhang, cũng làm nghề này, nên quen nghề rồi yêu nghề, không bỏ được”. 3 tháng nay, những người thợ làm nhang tại đây phải tăng tốc 200% công suất mới kịp những đơn hàng cuối năm. Vất vả hơn nhưng ánh mắt ai cũng lấp lánh niềm vui. Với những người thợ như họ, hạnh phúc là luôn có hàng để làm, thu nhập cũng vì thế mà tăng lên, cuộc sống ổn định, đủ đầy.

Không khí tất bật cuối năm khiến lòng người bỗng xốn xang hơn, thoảng trong không gian mùi nhang trầm, nhang quế. Giật mình, tết đã đến thật gần. Đối với mỗi người dân Việt, tết đến không thể thiếu những nén nhang trên bàn thờ tổ tiên. Giữa muôn vàn sản phẩm nhang trên thị trường, chắc chắn ai cũng muốn chọn cho gia đình mình một mùi hương yêu thích nhưng phải thật sạch, tự nhiên và không tẩm hóa chất. Tết đến, xuân về, đốt nén nhang tỏ lòng thành kính, nhắc nhở mỗi người về quê hương, nguồn cội, mong muốn một năm mới thật ấm cúng, đủ đầy đã trở thành nét đẹp truyền thống không dễ gì mai một.

 Không khí tt bt cui năm khiến lòng người bng xn xang hơn, thong trong không gian mùi nhang trm, nhang quế. Git mình, tết đã đến tht gn. Tết đến, xuân v, đốt nén nhang trên bàn th t tiên t lòng thành kính, nhc nh mi người v quê hương, ngun ci, mong mun mt năm mi tht m cúng, đủ đầy đã tr thành nét đẹp truyn thng không d gì mai mt.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên