Pháp: Chính phủ sụp đổ vì câu chuyện ngân sách

Thứ bảy, ngày 07/12/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm như tuyên bố của 3 đảng chính trị lớn ở 2 thái cực trong Quốc hội là Mặt trận Tân dân (NFP) cực tả và National Rally (RN) cực hữu đã khiến chính phủ trung hữu thiểu số của Thủ tướng Michel Barnier sụp đổ, đẩy nước Pháp vào cuộc khủng hoảng chính trị mới kể từ sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm do liên minh các đảng cánh tả đưa ra đã được các nghị sĩ từ đảng cực hữu National Rally của bà Marine Le Pen ủng hộ. 331 nghị sĩ đã bỏ phiếu vào đêm 4/12 để sa thải chính phủ. Thủ tướng Barnier tuyên bố từ chức vào sáng ngày 5/12.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 sau cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cho biết: “Chúng tôi phải đưa ra lựa chọn và lựa chọn của chúng tôi là bảo vệ người Pháp” khỏi một ngân sách “độc hại”. Bà Le Pen cũng cáo buộc ông Macron “chịu trách nhiệm phần lớn cho tình hình hiện tại”, đồng thời nói thêm rằng “áp lực lên Tổng thống Cộng hòa sẽ ngày càng lớn hơn”. Đây là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công đầu tiên kể từ thất bại của chính phủ Georges Pompidou năm 1962, khi đó ông Charles de Gaulle làm Tổng thống Pháp.

Như ông Barnier đã cảnh báo, nước Pháp đã thật sự rơi vào tình thế “khủng hoảng chính trị” mới, với tình trạng không có chính phủ điều hành quốc gia. Đây là lần Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Thủ tướng Michel Barnier đã tuyên bố từ chức vào sáng 5/12.

Giới quan sát nhận diện 2 vấn đề mà nước Pháp đang đối mặt: Đó là sự không chắc chắn về cách thức quyết định ngân sách năm 2025 khi Pháp phải đối mặt với thâm hụt công ngày càng tăng; và việc Tổng thống Macron có thể bổ nhiệm ai làm thủ tướng để thay thế ông Barnier.

Điểm mấu chốt của tranh chấp là kế hoạch của Thủ tướng Barnier về một ngân sách bao gồm 60 tỷ euro cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, bất chấp việc chính phủ không chiếm đa số trong Quốc hội, dẫn đến lời đe dọa “lật đổ chính phủ” từ lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Mặc dù sau đó ông Barnier đã đưa ra nhượng bộ quan trọng là hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện. Nhưng, trong khi Chủ tịch đảng cực hữu National Rally Jordan Bardella tuyên bố “chiến thắng” trong bước đi này, ông cũng cảnh báo “vẫn còn những lằn ranh đỏ khác”.

Các vấn đề của chính phủ Barnier bắt nguồn từ quyết định giải tán Quốc hội vào tháng 6 và tổ chức bầu cử sớm của Tổng thống Macron sau khi lực lượng trung dung của ông phải chịu thất bại ê chề trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra sau đó, liên minh NFP gồm một số đảng thiên tả, từ đảng Xã hội (PS) đến đảng cực tả Unbowed France (LFI) do chính trị gia Jean-Luc Mélenchon đứng đầu, đã giành được số ghế lớn nhất. Liên minh của ông Macron đã bị đánh bại ở vị trí thứ hai và RN, mặc dù đã kết thúc với tư cách là đảng đơn lẻ lớn nhất, đã giành vị trí thứ ba. Do đó, Quốc hội Pháp đã bị chia thành 3 khối gần như bằng nhau - cánh tả, trung dung và cánh hữu/cực hữu - không có khối nào chiếm đa số. Sau đó là một loạt bế tắc trong việc tìm kiếm chính phủ mới. Ông Macron đã phải chọn ông Barnier - một người theo đường lối vừa tả vừa hữu - như một giải pháp “được lòng cả hai phía”.

Sau cuộc bầu cử tháng 6, chính phủ thiểu số của ông Barnier chịu áp lực phải ổn định tài chính công từ EU và thị trường tài chính sau khi cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách của họ - khoảng cách giữa chi tiêu và thu nhập thuế - sẽ vượt quá 6% GDP trong năm nay. Hồi tháng 10, ông Barnier đã công bố cắt giảm phúc lợi, y tế, lương hưu và chính quyền địa phương, cũng như tăng thuế, bao gồm cả việc khôi phục thuế tiêu thụ điện đã bị đình chỉ trong cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo kế hoạch, việc vay nợ có thể được cắt giảm xuống còn 5% GDP vào năm tới, nhưng nếu không có hành động đó, con số này có thể lên tới gần 7%, cao hơn gấp đôi giới hạn 3% trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của EU, được thiết kế để đảm bảo các quốc gia thành viên theo đuổi chính sách “tài chính công lành mạnh” và phối hợp các kế hoạch thuế và chi tiêu của họ. Brussels đã đưa Pháp vào quy trình giám sát “thâm hụt quá mức”. Trong khi một số nước khác cũng đang ở trong tình thế này, bao gồm Bỉ, Italy, Ba Lan, và các nhà đầu tư lo ngại rằng Pháp có thể duy trì các kế hoạch không bền vững.

Trước khi có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia Pháp chiều 5/12, Tổng thống Macron đã có loạt cuộc gặp với các chính khách hàng đầu nước Pháp để tham vấn nhiều vấn đề, trong đó có cả việc tìm kiếm người thay thế ông Barnier lãnh đạo chính phủ.

Ứng cử viên cho chức thủ tướng rất ít, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu và đồng minh trung dung của ông Macron là Francois Bayrou là những ứng cử viên tiềm năng. Về phía cánh tả, ông Macron có thể lựa chọn cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve.

Ông Barnier là thủ tướng thứ 5 kể từ khi ông Macron lên nắm quyền vào năm 2017, mỗi người đều phục vụ trong thời gian ngắn. Với tình hình “thay tướng như thay áo” này, người ta dự báo ứng cử viên mới có nguy cơ có nhiệm kỳ thậm chí còn ngắn hơn cả ông Barnier, người có nhiệm kỳ ngắn nhất trong bất kỳ chính quyền nào kể từ khi Đệ ngũ Cộng hòa bắt đầu vào năm 1958 - chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Hãng tin AFP dẫn một số nguồn tin cho biết Tổng thống Macron có thể nhanh chóng bổ nhiệm thủ tướng mới trong vòng 24 giờ tới.

“Chúng tôi hiện đang kêu gọi ông Macron ra đi” - Mathilde Panot, người đứng đầu phe cánh tả trong Quốc hội của đảng cực tả France Unbowed (LFI), nói với các phóng viên báo chí, đồng thời thúc giục “bầu cử tổng thống sớm” để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng sâu sắc. Trong khi đó, bà Le Pen tỏ ra “kín kẽ” hơn khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng một khi thủ tướng mới được bổ nhiệm thì đảng của bà “sẽ để họ làm việc” và giúp tạo ra một “ngân sách mà mọi người đều có thể chấp nhận được”.

Theo CAND