Trong một tuyên bố có thể làm Anh tức giận, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe hôm qua (20-7) đã nói, Tổng thống Trong một tuyên bố có thể làm Anh tức giận, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe hôm qua (20-7) đã nói, Tổng thống Muammar Gaddafi có thể được phép ở lại Libya và có một tương lai ở đất nước Bắc Phi. Đây là lời thừa nhận rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc sức mạnh quân sự riêng thôi không đủ để lật đổ Nhà lãnh đạo Gaddafi.
NATO đã thực hiện các cuộc tấn công liên tiếp và dữ dội nhằm vào quân của ông Gaddafi suốt hơn 4 tháng qua nhưng chính quyền của ông này vẫn tồn tại một cách đầy thách thức. Khi chiến dịch can thiệp quân sự của NATO kéo dài trong tình trạng bế tắc thì một số nước bắt đầu dần nhận ra rằng họ khó lòng mà lật đổ được ông Gaddafi.
Nhà lãnh đạo Gaddafi
Trước đây các cường quốc phương Tây tự tin rằng họ có thể đánh nhanh thắng nhanh trên chiến trường Libya chỉ trong vòng hai tuần nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Trong bối cảnh này, Pháp – một trong hai nước đi đầu trong chiến dịch quân sự chống Tổng thống Gaddafi, bắt đầu đi ngược lại những tuyên bố trước đó của liên quân, tìm cách đàm phán với phe của ông Gaddafi để tìm một lối thoát cho “mớ bòng bong” ở đây.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, các cường quốc sẵn sàng để ông Gaddafi ở lại đất nước nếu ông này chịu từ chức.
"Một trong những kịch bản được đưa ra là ông Gaddafi ở lại Libya với một điều kiện là ông ấy phải bước ra khỏi đời sống chính trị ở Libya. Một lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào cam kết của ông Gaddafi về việc ông từ bỏ các vai trò dân sự và quân sự ở đây”, ông Juppe nói.
Đề xuất để Tổng thống Gaddafi ở lại Libya sau khi từ chức đã phản ánh sự thừa nhận của Pháp rằng, sẽ rất khó nếu không nói là không thể để NATO đánh bật ông Gaddafi ra khỏi Tripoli bằng cách dùng vũ lực hoặc thuyết phục. Pháp bắt đầu tin rằng, ông Gaddafi sẽ vượt qua những cuộc tấn công của NATO và phe nổi dậy.
Ngay sau phát biểu của Ngoại trưởng Pháp, Mỹ đã lên tiếng khẳng định, ông Gaddafi phải từ chức nhưng việc ông ấy có được ở lại Libya hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của nhân dân Libya.
"Ông ấy cần từ bỏ quyền lực... và sau đó, người dân Libya sẽ quyết định", phát ngôi viên Nhà Trắng Jay Carney đã trả lời như vậy khi được hỏi liệu Washington có chung quan điểm với Pháp hay không.
Tuy nhiên, đề xuất của Pháp đã ngay lập tức bị chính quyền Libya bác bỏ. Ngoại trưởng Libya nhấn mạnh, sự ra đi của ông Gaddafi không phải là một vấn đề được đưa ra để bàn bạc, thảo luận.
Trong lúc này, trên chiến trường, phe nổi dậy Libya đang phải đối mặt với thương vong lớn khi tìm cách giành lại thành phố dầu mỏ chiến lược Brega. Phe nổi dậy buộc phải chiếm được Brega nếu muốn tấn công về thủ đô Tripoli – thành trì của ông Gaddafi.
18 chiến binh nổi dậy đã thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương trong những cuộc đụng độ mới nhất với đội quân trung thành với ông Gaddafi ở Brega, một bác sĩ ở bệnh viện do phe nổi dậy kiểm soát cho biết.
"Ngày hôm qua đúng là một thảm họa”, bác sĩ Sarahat Atta-Alah cho biết.
Các chiến binh nổi dậy cho biết, họ đã bao vây Brega nhưng đang vấp phải những đòn đánh đáp trả mạnh mẽ từ quân của ông Gaddafi. Quân chính phủ thề sẽ bảo vệ và giữ chặt Brega vì họ hiểu rõ tầm quan trọng của thành phố này.
Ngoài Brega, các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy cũng đã nổ ra ở gần Misrata. 7 chiến binh nổi dậy đã bị giết chết và 35 chiến binh khác bị thương trong trận chiến ở đây.
Libya ủng hộ vai trò trung gian của Nga
Libya sẽ ủng hộ bất kỳ sự giúp đỡ nào của Nga trong vai trò làm trung gian tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Bắc Phi. Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Libya Abdul Ati al-Obeidi đưa ra ngày hôm qua khi ông này tới Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp al-Obeidi đã có các cuộc hội đàm tại thủ đô Moscow về tình hình hiện nay ở đất nước Libya cũng như các nỗ lực trung gian của Liên minh Châu Phi và Liên hiệp quốc.
"Libya sẽ hoan nghênh bất kỳ vai trò nào của Nga trong tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Libya. Chúng tôi đề nghị tìm kiếm một giải pháp có thể được tất cả người dân Libya chấp nhận, trong đó có cả phe nổi dậy ở Benghazi" ông al-Obeidi phát biểu.
Ngoại trưởng Al-Obeidi cũng cho biết, Libya ủng hộ ý kiến của Liên minh Châu Phi về việc thực thi một lệnh ngừng bắn và khởi động tiến trình đàm phán giữa các bên đối lập.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Libya nhấn mạnh, ông không thảo luận với người đồng cấp Nga về tương lai của Tổng thống Gaddafi và sự ra đi của ông này. Từ trước đến nay, chính phủ Libya luôn khẳng định, sự ra đi của ông Gaddafi không phải là một vấn đề được đưa ra bàn bạc, đàm phán mà là do người dân của Libya quyết định.
Trong lúc này, Tổng thống Gaddafi vẫn tiếp tục thể hiện thái độ thách thức khi thề sẽ chống lại cả phe nổi dậy và NATO. "Hàng triệu nhân dân đứng về phía tôi. Chúng tôi đang ở quê hương của mình và chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ danh dự, dầu mỏ và tài sản của chúng tôi. Người ta đã đem chiến tranh đến áp đặt lên chúng tôi và lựa chọn duy nhất của chúng tôi chỉ là chiến đấu – cả đàn ông, đàn bà và trẻ em với tất cả vũ khí trong tay sẽ lần lượt giải phóng Benghazi, Misrata và Al-Jabal Al-Gharbi. Chúng tôi sẽ tiến về những thành phố đang bị những kẻ phản bội và tay sai của NATO chiếm giữ để giành lại những thành phố đó. Chúng tôi không sợ bom của NATO”, Tổng thống Gaddafi đã phát biểu như vậy với những người nông dân ở Al-Aziziya, cách thủ đô Tripoli khoảng 50km.
Theo DM, Reuters