Pháp khiến NATO mâu thuẫn vì đàm phán với Gaddafi

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

Mâu thuẫn trong NATO trở nên sâu sắc hơn khi mới đây Pháp bất ngờ kêu gọi tiến hành đàm phán với Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Trước đó, cả NATO và phe nổi dậy Libya đều liên tiếp khẳng định sẽ không có chuyện đối thoại với ông Gaddafi vì chính quyền của ông này đã mất tính hợp pháp.

  Nhà lãnh đạo Libya, ông Gaddafi

Có lẽ do quá sốt ruột với những tiến bộ không đáng kể trong chiến dịch quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Gaddafi, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet hôm 10-7 đã nói, đã đến lúc phải “ngồi vào bàn đàm phán”. Nhiều nguồn tin cho biết, chính quyền Pháp đã có cuộc tiếp xúc với một phái đoàn của ông Gaddafi dù Pháp phủ nhận thông tin này.

Mặc dù lập trường của NATO và Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (TNC) từ trước đến nay luôn được khẳng định là, sẽ không thể có bất kỳ cuộc đàm phán nào khi Tổng thống Gaddafi còn cầm quyền nhưng Bộ trưởng Longuet giờ đây lại muốn đàm phán với ông Gaddafi.

“Chúng tôi đã yêu cầu họ nói chuyện với nhau”, ông Longuet cho biết, ám chỉ đến hai phe ở Libya.

Phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã ngay lập tức vấp phải phản ứng từ phía Washington. “Nhân dân Libya sẽ là người quyết định quá trình chuyển tiếp ở đất nước này diễn ra như thế nào nhưng chúng tôi tin tưởng rằng ông Gaddafi sẽ không thể tiếp tục cầm quyền”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, ám chỉ rằng họ sẽ không thay đổi lập trường như Pháp.

Trong khi đó, mặc dù một quan chức cấp cao của Anh khẳng định, không có “sự khác biệt” về lập trường của hai nước đồng minh dẫn đầu chiến dịch quân sự ở Libya nhưng một phát ngôn viên Văn phòng Đối ngoại Anh sau đó xác nhận, lập trường của Anh vẫn là ông Gaddafi phải ra đi trước khi lệnh ngừng bắn được thực thi và các cuộc đàm phán được khởi động.

Phản ứng của phe nổi dậy Libya với lời kêu gọi đàm phán của Pháp còn mạnh mẽ và đầy thách thức hơn. Ông Hamed Amer Hagheg, một chỉ huy cấp cao trên mặt trận phía tây ở rặng núi Nafusa, tuyên bố: “Giải pháp chính trị duy nhất lúc này là ông Gaddafi và gia đình ông này phải từ bỏ quyền lực. Chúng tôi đánh giá cao lập trường ủng hộ người dân Libya của Tổng thống Sarkozy nhưng chính người dân Libya phát động cuộc nổi dậy chứ không phải Pháp. Thậm chí nếu không có sự giúp đỡ của Pháp, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục truy đuổi ông Gaddafi”.

Cuộc chiến ở Libya đã biến thành một cuộc chiến tranh hao mòn sinh lực và tinh thần bởi nó đã rơi vào thế bế tắc kéo dài mà không có lối thoát. Đây là kết quả không ai mong đợi. Khi bắt đầu chiến dịch can thiệp vào Libya hồi tháng 3, NATO đã rất tự tin và lạc quan cho rằng họ có thể nhanh chóng đánh đổ chính quyền của ông Gaddafi. Thế nhưng gần 4 tháng đã trôi qua mà NATO vẫn chưa thể làm thay đổi được tình hình ở Libya.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=317
Quay lên trên