Phát điện từ rác, bước đột phá trên đường phát triển

Cập nhật: 12-01-2024 | 08:31:12

Trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, hôm nay (12-1), Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) chính thức vận hành Nhà máy phát điện từ rác công suất 5MW. Biwase đặt kỳ vọng đây sẽ là dự án mang ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho mục tiêu phát triển “kinh tế tuần hoàn”, chung sức cùng Bình Dương theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã đặt ra.

Hoàn thiện quy trình xử lý

Hiện nay, trước những thách thức về biến đổi khí hậu, thế giới đang tập trung vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trên toàn cầu cần có những cam kết mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối từ quá trình xử lý rác thải. Với tầm nhìn xa, trong những năm qua, Biwase đã tận dụng và phát huy được nguồn vốn ODA để tập trung hoàn thiện công nghệ xử lý, tái chế rác thải. Trong đó, chú ý đầu tư và làm chủ công nghệ để xử lý triệt để rác thải, nhất là phát triển nguồn điện sinh khối từ việc thu gom khí metan, đốt rác thải không thể tái chế đúng quy trình, tận dụng nguồn nhiệt để phát điện.

Ông Nguyễn Văn Lợi (hàng trước, thứ hai từ phải qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan khuôn viên Nhà máy phát điện từ rác công suất 5MW của Biwase. Ảnh: MINH DUY

Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase, cho biết khi tỷ lệ dân số tăng, lượng rác thải cũng sẽ tăng. Hiện mỗi ngày Biwase tiếp nhận và xử lý khoảng 2.350 tấn rác thải sinh hoạt. Để không quá tải, Biwase luôn xây dựng kế hoạch dự phòng, có phương án để chủ động tăng công suất tiếp nhận, xử lý rác.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase: Với việc nâng công suất sản xuất phân bón lên 840 tấn, Biwase bảo đảm 100% rác thải sinh hoạt (khoảng 2.350 tấn/ngày) trên địa bàn sẽ được phân loại xử lý làm phân Compost. Hiện nhà máy có thể xử lý 2.520 tấn/ngày, dư công suất xử lý 170 tấn/ngày chính là phương án dự phòng nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh. Với tổ máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt được đầu tư, ước tính mỗi tháng sẽ tiết kiệm được chi phí điện năng khoảng 2 tỷ đồng, giảm được 2/3 chi phí điện tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương.

“Biwase đã không ngừng nỗ lực từ học tập ở các nước, tiếp cận các công nghệ phổ biến để áp dụng, tận dụng nguồn nhiệt lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày. Dự án nâng công suất xử lý rác giai đoạn 4 Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương với 2 thành phần chính được Biwase đầu tư 835 tỷ đồng. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Biwase quyết tâm tận dụng tối đa nguồn năng lượng để tái tạo, tái sử dụng vào quá trình sản xuất. Dự án không những đem lại những lợi ích kinh tế mà còn góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường”, ông Thắng chia sẻ.

Dự án bao gồm nâng công suất tiếp nhận phân loại rác làm phân hữu cơ 840 tấn/ngày, lò đốt rác có kết hợp phát điện công suất đốt 200 tấn/ngày, công suất phát điện 5MW. Trong giai đoạn đầu, nguồn điện sẽ được phát tự tiêu trong nội bộ nhà máy, theo quy trình tuần hoàn. Theo tính toán, lượng điện năng từ hai tổ máy phát điện tận dụng nguồn khí metan và nguồn nhiệt từ lò đốt sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương.

Trong niềm vui phấn khởi những ngày đầu năm mới 2024, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, chia sẻ điều băn khoăn của lãnh đạo Biwase đó là phải làm chủ được công nghệ, có thể quản lý, vận hành tốt và khai thác có hiệu quả hoạt động của tổ máy phát điện. Trăn trở này đã được Biwase giải quyết nhanh từ khi chuẩn bị đầu tư, nhất là về nhân sự. Vì vậy, các công nghệ đều được kỹ sư của Biwase tiếp nhận làm chủ, học hỏi, nghiên cứu và thiết kế, chế tạo dựa trên những công nghệ tiên tiến và phổ biến hiện nay. Đáng chú ý, nhiều trang thiết bị đã được Biwase tự nghiên cứu, chế tạo bảo đảm tiêu chuẩn tương đương các sản phẩm ngoại nhập, từ đó đã giúp tiết giảm rất nhiều chi phí đầu tư cho dự án.

Không chôn lấp rác thải

Trong những năm qua, với sứ mệnh được giao trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đến nay, quy trình công nghệ xử lý rác thải của Biwase được các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá thuộc tốp đầu các địa phương trong cả nước. Đáng chú ý, ngày 1-8-2023 đánh dấu cột mốc quan trọng sau 8 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Biwase đã thực hiện triệt để không chôn lấp rác thải. Thành công đó của Biwase đã đưa tỉnh nhà “về đích sớm” nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Quyết định số 07/ QĐ-TTg ngày 6-1-2015 về “Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030”.

Hệ thống thiết bị, máy móc tận thu nguồn nhiệt từ đốt rác để phát điện công suất 5MW của Biwase

Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên trong 11 địa phương hoàn thành tiêu chí không chôn lấp rác thải trong lưu vực sông Đồng Nai. Đồng thời trên toàn địa bàn 9 huyện, thị và thành phố đều có hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải để đưa về Khu liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương xử lý đúng quy trình. Có thể khẳng định, việc không còn chôn lấp rác có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và quá tải, bảo đảm giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững; Tiến tới xây dựng đồng bộ các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và hệ thống thu gom, vận chuyển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ thêm, trong thời gian tới Biwase theo đuổi mục tiêu xây dựng hệ sinh thái, đưa năng lượng tái tạo vào thực tiễn đời sống, sản xuất, góp phần cho mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mà tỉnh nhà đặt ra. Trong tương lai, với khả năng lượng rác thải tăng cao, nhà máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt rác của Biwase có thể nâng công suất đốt để từ đó nâng công suất phát điện cung cấp cho quá trình sản xuất tại đơn vị, cũng như có thể hòa lưới điện quốc gia. Quá trình đó mang lại giá trị không chỉ về kinh tế mà còn đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, đưa nguồn năng lượng tái tạo tham gia vào sản xuất cho các doanh nghiệp, từ đó tạo ra những sản phẩm xanh để xuất khẩu đến các thị trường có yêu cầu khắc khe trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên