Phát hiện chiếc răng của người cổ đại từ 1,8 triệu năm trước

Cập nhật: 16-09-2022 | 15:35:37

Chiếc răng của người cổ đại. 

Các nhà khảo cổ học ở Gruzia thông báo đã phát hiện 1 chiếc răng 1,8 triệu năm tuổi ở làng Orozmani, cách thủ đô Tbilisi của nước này khoảng 100 km về phía Tây Nam. 

Theo các chuyên gia, chiếc răng này thuộc về loài người đầu tiên đã từng khiến nơi đây là 1 trong những khu định cư sớm nhất của con người thời tiền sử ở châu Âu.

Địa điểm tìm thấy hiện vật trên ở gần Dmanisi - nơi các nhà khảo cổ đã phát lộ nhiều hộp sọ người có niên đại cách đây 1,8 triệu năm hồi cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000.

Các phát hiện tại Dmanisi được đánh giá là những khám phá về loài người cổ xưa nhất ở khu vực ngoài châu Phi.

Điều đó đã khiến giới khoa học hiểu thêm và thậm chí là thay đổi những nhận thức về sự tiến hóa ban đầu của loài người, cũng như các mô hình di cư.

Trong khi đó, phát hiện mới nhất tại làng Orozmani (cách Dmanisi 20 km) đã cung cấp thêm bằng chứng rằng khu vực miền núi phía Nam Caucasus có khả năng là 1 trong những nơi đầu tiên mà loài người cổ xưa nhất tới định cư sau khi rời châu Phi.

Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Khảo cổ học và Thời tiền sử của Gruzia cho biết: "Orozmani và Dmanisi đại diện cho khu vực định cư lâu đời nhất của người cổ đại Homo ở thế giới bên ngoài châu Phi."

Ông Giorgi Bidzinashvili - trưởng nhóm khảo cổ học - cho rằng chiếc răng thuộc về "anh em họ" của Zezva và Mzia - tên gọi dành cho 2 hóa thạch hộp sọ 1,8 triệu năm tuổi được phát hiện trong trạng thái gần như hoàn chỉnh tại Dmanisi.

Trong khi đó, ông Jack Peart - cũng là một thành viên của nhóm khảo cổ học - nhấn mạnh rằng phát hiện này củng cố quan điểm rằng Gruzia là một địa điểm thực sự quan trọng đối với những nghiên cứu về cổ sinh vật học và loài người cổ xưa.

Hóa thạch người Homo cổ xưa nhất thế giới được tìm thấy đến nay có niên đại cách đây 2,8 triệu năm, đó là một phần xương hàm được phát hiện ở khu vực hiện nay là đất nước Ethiopia.

Các nhà khoa học tin rằng người cổ đại đã di cư khỏi châu Phi khoảng 2,8 triệu năm trước.

Các công cụ cổ xưa có niên đại khoảng 2,1 triệu năm trước đã được phát hiện ở khu vực là Trung Quốc ngày nay, nhưng Gruzia hiện vẫn là nơi lưu giữ những di tích lâu đời nhất của con người thời kỳ đầu bước ra khỏi lục địa Phi./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên