Được biết đến như một cuốn sách “kim chỉ nam” cho những người học, hành nghề y, nhưng bộ sách Thọ thế bảo nguyên (chữ Hán ) của danh y đời Minh Cung Đinh Hiền (? - ?) hầu như đã bị thất truyền. Trong đợt tổng kiểm kê Di sản Văn hóa chữ Hán Nôm trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương vừa qua, chúng tôi đã may mắn sưu tầm được một cuốn trong bộ sách giá trị, quý hiếm này.
Tiêu đề cuốn “Thọ thế bảo nguyên”
Trang viết có đề năm khắc in sách
Cung Đinh Hiền là một danh y của Trung Quốc, sống vào đời Minh (1368-1644). Ông sinh, mất năm nào không rõ nhưng trong các từ điển Trung y đều có viết về ông và y thuật của ông có thể sánh với Biển Thước, Hoa Đà. Cung Đinh Hiền người làng Hạ Tư, huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Do chữa được bệnh nan y cho Lỗ Vương phi mà ông được ban biển ngạch Y lâm trạng nguyên, làm việc trong Thái y viện. Dựa vào những trước tác của ông để lại cho đời sau ta có thể biết rằng ông hiểu sâu biết rộng, từ nhi khoa, phụ khoa, ngoại khoa, nội khoa, chẩn đoán đến bản thảo và ở lĩnh vực nào ông cũng để lại cho hậu thế những tác phẩm rất có giá trị.
Thọ thế bảo nguyên được Cung Đinh Hiền viết năm 1615, gồm 10 quyển. Quyển đầu giới thiệu những kiến thức lý luận cơ bản chung, từ quyển thứ 2 đến quyển thứ 9 bao gồm các khoa nội, ngoại, phụ khoa, nhi khoa, ngoại khoa. Quyển thứ 10 là phương dược và tạp trị. Tại Việt Nam, bộ sách đã được khắc in lại, lấy tên Tân san y lâm trạng nguyên Thọ thế bảo nguyên nhưng đến hiện nay hầu như đã thất truyền. Hiện tại, Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ có hai cuốn tập 7 và tập 8.
Cuốn sách mà bảo tàng sưu tầm được là cuốn thứ nhất, tập Giáp trong tổng số 10 tập do nhà tàng bản Thiên Bảo lâu khắc in năm Đồng Trị nguyên niên Nhâm Tuất (1862) có tựa đề Tân san y lâm trạng nguyên Thọ thế bảo nguyên (trong đó, Y lâm trạng nguyên là biển ngạch nhà Minh tặng cho ông và Thọ thế bảo nguyên là tên sách). Nhà tàng bản Thiên Bảo lâu đã khắc in lại thành một bộ 10 tập, lại lấy các hàng trong hàng Can để đánh tên từ 1 tới 10 gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý; mỗi tập đều có nội dung riêng. Tập Giáp (tập 1) nói về y chú; tập Ất (tập 2) nói về các bệnh trúng phong, trúng hàn và cách dự phòng; từ tập Bính (tập 3) đến tập Kỷ (tập 6) nói về nội khoa; tập Canh (tập 7) nói về phụ khoa; tập Tân (tập 8) đề cập đến nhi khoa; tập Nhâm (tập 9) nói về ngoại khoa và tập Quý (tập 10) nói về tạp trị. Từ số tập đến nội dung chính trong từng tập cho thấy nhà tàng bản đã cho khắc in lại theo đúng nguyên bản. Điều này càng làm tăng giá trị cho cuốn sách vì một số bộ sách của Cung Đinh Hiền khi được soạn thảo lại, khắc in tại Việt Nam chỉ là một phần so với bản gốc.
Cuốn sách có khổ 16x28cm, 61 trang bao gồm cả phần nội dung, phần mục lục và lời đề từ, giới thiệu của nhà xuất bản, chữ Hán khắc in trên giấy, bìa bọc da. Cuốn sách được bảo quản khá tốt, chỉ hơi quăn mép giấy, không hề bị mối mọt, trừ một trang bị rách còn lại tất cả các trang khác đều nguyên vẹn, chữ khắc nét sắc sảo, rõ ràng. Ngoài ra, trong sách còn có những chỗ ghi chú, những chữ khó đọc được phiên âm bên cạnh, qua nét chữ có thể thấy được là không phải chỉ của một người chứng tỏ cuốn sách đã qua nhiều người sử dụng và đều được nâng niu bảo quản.
Tập Giáp là tập đầu tiên nên ngoài phần nội dung chính nói về y chú còn có phần mục lục giới thiệu toàn bộ bộ sách, nhờ thế ta biết được bộ sách gồm 10 cuốn và nội dung chính của từng tập. Cũng nhờ vào lời giới thiệu của nhà xuất bản nên chúng ta biết được bộ sách được khắc in vào năm Đồng Trị nguyên niên Nhâm Tuất (1862). Dù chưa có điều kiện đi sâu vào phần nội dung nhưng sơ qua những thông tin trên đã cho chúng ta thấy trước hết giá trị về mặt lịch sử của cuốn sách. Và việc đi sâu tìm hiểu là hết sức cần thiết để khai thác những giá trị về mặt lịch sử, kiến thức, ngôn ngữ của cuốn sách.
ĐỖ THANH