Một nghiên cứu mới được đăng tải ngày 21-8 cho biết những vi hóa thạch được tìm thấy ở Australia chứng tỏ hơn 3,4 tỷ năm trước, vi khuẩn đã phát triển mạnh mẽ trong một môi trường Trái Đất không có oxy.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Western Australia và Đại học Oxford khẳng định những xác vi khuẩn này đã được xác nhận là hóa thạch sớm nhất từng được ghi nhận.
Vi hóa thạch nhìn qua kính hiển vi.
Các mẫu hóa thạch nằm trong những phiến đá trầm tích cổ đại thuộc khu vực Pilbara ở Tây Australia, nơi những vi khuẩn này sau khi chết đi đã được bảo quản nguyên vẹn trong những hạt cát thạch anh. Các vi khuẩn này đã ăn các hợp chất lưu huỳnh để tồn tại.
Nhóm các nhà khoa học, do ông David Wacey thuộc Đại học Western Australia đứng đầu, công bố nghiên cứu của họ trên tạp chí Nature Geoscience: "Cuối cùng, chúng ta đã tìm ra những bằng chứng thuyết phục về sự sống cách đây 3,4 tỷ năm trước. Bằng chứng này xác nhận có vi khuẩn vào thời kỳ đó, sinh sống mà không cần ôxy."
Theo ông, loại vi khuẩn sống bằng lưu huỳnh "đến nay vẫn còn phổ biến." Chúng được tìm thấy trong những cống rãnh hôi thối, suối nước nóng và các miệng phun có nhiệt độ cao dưới đáy biển sâu.
Ông Brasier cho rằng nhờ bằng chứng nói trên mà việc những dạng sống này có thể tồn tại trên Sao Hỏa là "có thể lý giải được."
Các robot và phi hành gia đến hành tinh đỏ có thể tìm kiếm những địa điểm như Pilbara để trả lời cho vấn đề này. Tuy nhiên, các mẫu phẩm của họ phải trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng để củng cố niềm tin rằng sự sống đã tồn tại trên người hàng xóm bí ẩn của Trái Đất.
Theo TTXVN