Nghiên cứu mới nhất chỉ ra phát hiện bất ngờ về những con ngựa ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu phân tích xương ngựa ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Rất ít loài động vật có tác động đáng kể đến tiến trình lịch sử loài người như ngựa - đóng vai trò trung tâm trong việc biến đổi quân đội, nền kinh tế, mạng lưới giao thông và thậm chí là giải trí.
Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ và các nhà sử học đưa ra giả thuyết rằng kỹ năng sử dụng ngựa thành thạo đã giúp nhà Tần trở thành đế chế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến quốc vào năm 221 trước công nguyên.
Tần Thủy Hoàng là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc nổi tiếng nhất với đội quân đất nung và các bức tượng ngựa ở khắp mọi nơi. Khoảng 600 tượng ngựa đã được khai quật cho đến thời điểm này, làm nổi bật tầm quan trọng của loài vật mà Hoàng đế Tần Thủy Hoàng coi trọng ở thế giới bên kia.
Không phải tất cả những con ngựa trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng đều là giả.
Nhưng không phải tất cả những con ngựa trong ngôi mộ đều là giả, và có những khu mộ phụ chứa xương ngựa thật, theo SCMP. Mặc dù vai trò và tầm quan trọng của ngựa đối với xã hội nhà Tần đã được nghiên cứu, song các nhà khoa học đã không tự mình phân tích những con ngựa, cho đến khi một nghiên cứu gần của Nhà xuất bản Đại học Cambridge đã chỉ ra điều đó.
Nghiên cứu cho thấy, tất cả những con ngựa đều là con đực và to lớn, với chiều cao trung bình là 1,4 mét. Khi chết, chúng khoảng 10 tuổi - là thời kỳ đỉnh cao của ngựa.
Các tác giả viết: “Vai trò quan trọng của loài ngựa trong thời nhà Tần được thể hiện rõ ràng hơn bằng việc đưa ngựa vào lăng mộ của tầng lớp tinh hoa nhà Tần.
Những phát hiện này cung cấp thông tin chi tiết về các tiêu chí lựa chọn động vật đưa vào lăng mộ của hoàng đế, cũng như các câu hỏi liên quan đến giống ngựa, cách thức chăn nuôi, tầm quan trọng của quân đội và biểu tượng của ngựa ở Trung Quốc cổ đại”.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích răng nanh, xương chậu của ngựa và nhận thấy, các hóa thạch chỉ ra rõ ràng đó là ngựa đực.
Giới tính đồng nhất của những con ngựa được cho là vì hai lý do có thể xảy ra: Ngựa cái còn để sinh sản, hoặc người cổ đại chủ yếu cưỡi ngựa đực, vì vậy họ muốn ngựa đực đi theo họ sang thế giới bên kia.
Theo các nhà khoa học, chủ yếu ngựa đực được chôn cất cùng các tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc cổ đại vào cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu tiên trước Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu không thể xác định liệu những con ngựa có bị thiến trong suốt cuộc đời của chúng hay không, nghĩa là họ không thể biết được chúng là ngựa giống hay ngựa non.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng, độ tuổi 10 là "cực kỳ quan trọng" đối với hoàng đế vì những con ngựa được tìm thấy trong lăng mộ của các quan chức cấp thấp hơn có độ tuổi tương đối rộng, mặc dù chỉ cách nhau vài năm.
Các nhà nghiên cứu phân tích xương ngựa ở lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng.
Tương tự, chiều cao của những con ngựa cũng quan trọng. Chiều cao trung bình của ngựa dành cho hoàng đế là trên 1,4 mét, trong khi ngựa ở những ngôi mộ khác có chiều cao trung bình từ 1,3 đến 1,4 mét.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chiều cao của những con ngựa cho thấy tầm quan trọng của việc cưỡi ngựa ở thế giới bên kia vì chiều cao sẽ giúp người trên lưng ngựa nhìn thấy đám đông và trở nên nổi bật.
Điều thú vị là những bộ xương ngựa thật cao hơn những bức tượng ngựa bằng đất nung, có chiều cao trung bình là 1,385 mét.
Những con ngựa cũng có dấu hiệu bị trói chân sau khi chúng bị giết trong quá trình chôn cất, và những con ngựa được sắp xếp có logic và trật tự.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 24 con ngựa trong hố nằm trong một phần lăng mộ được gọi là "thành nội", ở phía tây nam nơi yên nghỉ của Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng. Các căn phòng phía trước được bảo vệ bởi 12 chiến binh đất nung. Những con ngựa được khai quật từ phòng phía sau.
Các nhà nghiên cứu chỉ được phân tích phần xương có thể nhìn thấy mà không thể đào sâu thêm, vì phải giữ nguyên trạng cho cả việc bảo tồn và du lịch.
Theo LĐO