Phát hiện sắc phong “Soái đội Hoàng Sa” ở Quảng Nam
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Một sắc phong “Soái đội Hoàng Sa” (ảnh) vừa được phát hiện, lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê ở xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam.
Ngay sau đó, sắc phong này được những người am hiểu chữ Hán ở địa phương dịch ra với nội dung như sau: Vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp Soái đội, tùy cai quản”.
Như vậy, ông Lê Văn Ước, người con của tộc Lê quê phường Hạ, xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông cũ (nay là thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh) được phong giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa. Đây là văn bản chữ Hán cổ nhất được lưu giữ tại phổ ý tộc Lê phái nhất vừa được phát hiện.
Cùng với chỉ dụ của quan Tuần phủ Nam Nghĩa (đứng đầu 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi) cử ông Lê Văn Ước làm Đội trưởng Đội tả thủy vệ. Phổ ý phái nhất tộc Lê còn lưu một chỉ dụ nữa của quan Tri phủ huyện Hà Đông.
Theo đó, chỉ dụ này căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.
Như vậy, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và đã từng có những người con Quảng Nam cùng Quảng Ngãi ra bảo vệ Hoàng Sa. Công việc thủy vệ lúc bấy giờ chủ yếu đi cai quản các đảo ở Hoàng Sa. Lính thủy binh xa nhà có khi hàng năm trời nên những người tham gia đội thủy binh đều có tinh thần dũng cảm, tự nguyện cao mới được tuyển chọn... Với phát hiện mới nhất này, có thể khẳng định, những người dân Quảng Nam đã tham gia đội Hùng binh Hoàng Sa cách đây rất lâu.
T.S