Phát huy các nguồn lực trong bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật: 18-06-2021 | 19:21:49

(BDO) Huyện Bắc Tân Uyên là vùng đất có nhiều di tích có giá trị lịch sử như: Khu di tích tượng đài chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ ở xã Tân Bình, nhà thờ Huỳnh Văn Nghệ ở xã Thường Tân, Miếu Bà Đất Cuốc, khu tưởng niệm Chiến khu Đ… Đây được xem là những nguồn tư liệu vô cùng quý giá. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn tư liệu này luôn được huyện Bắc Tân Uyên nỗ lực thực hiện.

Nỗ lực bảo tồn

Hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 6 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Trong số này có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (khảo cổ Dốc Chùa, xã Tân Mỹ và Chiến khu Đ, xã Đất Cuốc); 4 di tích được cộng nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên, xã Tân Mỹ, Miếu bà Đất Cuốc, xã Đất Cuốc, khu di tích Căn cứ Bàu Gốc, xã Bình Mỹ và khu di tích chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ, xã Tân Bình). 

Những năm qua, các hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm; huy động được nhiều nguồn lực chung tay cùng thực hiện. 

Huyện đoàn Bắc Tân Uyên tổ chức “Hành trình theo bước chân người anh hùng” tại căn cứ Bàu Gốc cho các em học sinh

ác em học sinh, đoàn viên thanh niên ra quân dọn vệ sinh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị An Kim, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Tân Uyên, cho biết từ nhiều năm nay, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn huyện luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Các di tích lịch sử - văn hóa ngoài phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, du khách còn là một môi trường giáo dục, nhắc nhở các thế hệ về truyền thống lịch sử của dân tộc. Công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích được địa phương chú trọng thức hiện thường xuyên và liên tục.

Hàng năm, phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với UBND các xã có di tích thăm dò khảo sát tiến hành tu sửa, quét vôi, láng nền, xây dựng tường rào, nhà mát, nhà vệ sinh và thực hiện một số công trình phụ khác. Bên cạnh đó, các di tích này cũng được người dân địa phương, các nhà hảo tâm tu bổ thêm qua các năm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. 

Hầu hết các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống một cách có hiệu quả.

Phát huy giá trị di tích lịch sử

Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã biên soạn, in ấn hơn 45.000 ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về các điểm du lịch và di tích trên địa bàn huyện cấp phát cho các ban, ngành, đoàn thể và khách đến tham quan các di tích. Phòng còn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo, Huyện đoàn tuyên truyền lịch sử văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương tại các khu di tích trong và ngoài huyện; tổ chức các hội thi tìm hiểu, tuyên truyền giới thiệu về “địa chỉ đỏ” các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện…

Là người có nhiều năm gắn bó với các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, chị Vũ Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Bắc Tân Uyên, cho biết những năm qua Hội đồng Đội thường xuyên tổ chức các hội thi tuyên truyền giới thiệu về “địa chỉ đỏ” các di tích trên địa bàn huyện; tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về di tích lịch sử - văn hóa của địa phương… nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn, nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa cho các em đội viên, đoàn viên thanh niên. Qua đó góp phần phát huy tinh thần yêu nước, thể hiện lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện.

Với những gì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã, đang và tiếp tục triển khai sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của di tích trên địa bàn. Đó cũng chính là sự tri ân đối với những tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông, đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương.

BOX: “Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện không chỉ là nguồn động viên cho các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, thu hút hơn nữa nhân dân và du khách tham quan”, bà Nguyễn Thị An Kim, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Tân Uyên, cho biết.

Hồng Phương

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1315
Quay lên trên