Phát huy giá trị làng nghề gắn với phát triển du lịch
(BDO) Những chính sách hỗ trợ, kết nối, quảng bá xúc tiến du lịch là giải pháp để TP.Tân Uyên giữ gìn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống. Việc gắn kết phát triển làng nghề với du lịch sinh thái không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Khai thác hiệu quả làng nghề
TP.Tân Uyên hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động gắn với nghề truyền thống địa phương. Trong đó, nghề gốm sứ và mây tre lá là 2 nghề truyền thống có nhiều tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Cơ sở sản xuất Mây tre lá Thành Lộc tại khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh là một trong những điển hình, với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm thủ công từ cói, mây, tre và lá.
Với quy mô sản xuất gồm một khu xưởng rộng khoảng 2.000m² và khu vực trưng bày sản phẩm có diện tích 500m², Cơ sở sản xuất Mây tre lá Thành Lộc đủ sức tiếp đón 50 - 70 khách du lịch mỗi lượt tham quan. Bà Huỳnh Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc, cho biết hiện tại xưởng có đội ngũ lao động gồm 50 công nhân lành nghề, trong đó nhiều người có từ 10 - 20 năm kinh nghiệm.
Các công nhân không chỉ tham gia vào khâu sản xuất đan mà còn được đào tạo để giới thiệu nghề và sản phẩm đến du khách. Với sản phẩm chủ yếu như rổ, rá, chiếu, túi xách, đồ trang trí, Cơ sở sản xuất Mây tre lá Thành Lộc đã tạo dựng được thương hiệu nhờ kỹ thuật thủ công tinh xảo và nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm của Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc đã chinh phục được nhiều thị trường trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, các mặt hàng như giỏ đựng đồ, thảm, khay đựng và đồ trang trí nội thất được tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đặc biệt, các sản phẩm mây tre đan của Thành Lộc còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện đã có mặt tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, một số nước châu Âu.
Ngoài mây tre lá, gốm sứ cũng là nghề truyền thống lâu đời trên đất Tân Uyên. Các cơ sở gốm sứ tại địa phương chủ yếu sản xuất các sản phẩm gốm gia dụng, gốm mỹ nghệ. Làng nghề gốm sứ nổi bật với kỹ thuật nung bằng ga và hoa văn đặc trưng, thể hiện sự độc đáo văn hóa hướng về những hình ảnh, kiểu mẫu gốm xưa.
Năm 2024, các cơ sở gốm sứ đã tham gia nhiều chương trình triển lãm do tỉnh, TP.Tân Uyên tổ chức, được UBND tỉnh, UBND thành phố tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhiều sản phẩm của các cơ sở gốm sứ của thành phố đạt danh hiệu “Sản phẩm nông thôn tiêu biểu”. Các cơ sở cũng đã tiếp đón nhiều đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm thực tế.
Cần sự nỗ lực chung
Bà Bùi Ngọc Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, cho biết làng nghề truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội của địa phương. Những làng nghề như mây tre lá, gốm sứ không chỉ mang giá trị văn hóa lâu đời mà còn đóng góp lớn vào việc tạo việc làm, phát triển kinh tế và xây dựng thương hiệu địa phương.
Tuy nhiên, trước những thách thức của thời đại như đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi trong xu hướng tiêu dùng, việc giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách. làng nghề như mây tre lá, gốm sứ không Hiện trên địa bàn phường Tân Phước Khánh có nhiều cơ sở gốm sứ, tuy nhiên phù hợp với phát triển du lịch và còn giữ nét truyền thống thì có 2 cơ sở gốm sứ: Gốm sứ Ngân Hà tại khu phố Bình Hòa 2 và Gốm sứ Tuyền Phát tại khu phố Bình Hòa 1. Đối với nghề mây tre lá có 1 công ty mây tre lá (Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc), tại khu phố Khánh Hội.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân Uyên, hiện tại việc tham quan, trải nghiệm các ngành nghề truyền thống trên địa bàn vẫn còn manh mún, chưa thật sự trở thành sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh để đưa vào khai thác phục vụ du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất gốm, mây tre lá chủ yếu có quy mô nhỏ, hạn chế trong việc tiếp đón các đoàn khách tham quan có số lượng lớn.
Địa phương cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một nghề gốm thủ công truyền thống… Hiện nay, TP.Tân Uyên đang tích cực thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới, nhất là về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố...
“TP.Tân Uyên cũng sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương”. (Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân Uyên) |
HỒNG THUẬN - VĂN DŨNG