Phát huy hiệu quả các lợi thế của trung tâm văn hóa thể thao cấp xã

Cập nhật: 05-11-2024 | 08:40:15

Tọa lạc tại các vị trí đắc địa, với nhiều hoạt động phong phú, các Trung tâm Văn hóa thể thao và học tập cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm Văn hóa thể thao) xã, phường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phần nào đáp ứng nhu cầu về không gian sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, người dân cho rằng cần phát huy hơn nữa lợi thế của các trung tâm này trong thời gian tới.

 Các hoạt động được tổ chức tại Trung tâm VHTT ở xã, phường luôn thu hút đông đảo người dân tham gia

 Không gian sinh hoạt cộng đồng

Với diện tích hơn 28.000m2 và tọa lạc tại vị trí thuận lợi, Trung tâm Văn hóa thể thao (VHTT) - học tập cộng đồng phường Tân Phước Khánh (TP. Tân Uyên) hiện là địa điểm sinh hoạt quen thuộc của người dân. Ngoài 29 câu lạc bộ (CLB) đang hoạt động như bóng đá, bóng bàn, bida, thể dục dưỡng sinh, võ cổ truyền thường xuyên hoạt động, trung tâm còn tạo một không gian xanh cho người dân đến hóng mát, thư giãn vào cuối tuần. Qua trao đổi với P.V, lãnh đạo phường Tân Phước Khánh cho biết thời gian qua mặc dù việc duy trì hoạt động của trung tâm còn một số khó khăn, tuy nhiên địa phương luôn quan tâm, nhằm tạo không gian sinh hoạt chung cho người dân, đặc biệt là con em công nhân lao động vào các ngày cuối tuần.

Trong những ngày qua, Trung tâm VHTT và truyền thanh TP.Tân Uyên đã tổ chức lưu diễn phục vụ cơ sở năm 2024 tại các Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng ở các xã, phường trên toàn địa bàn thành phố. Thông qua chương trình nhằm phát huy vai trò của Đội Tuyên truyền lưu động trong việc tuyên truyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, qua đó xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng, lành mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ vũ, vận động nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân cùng hăng hái thi đua thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Qua các hoạt động này cũng nhằm phát huy vai trò của các trung tâm VHTT ở xã, phường, đáp ứng nhu cầu về không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân trên địa bàn.

Trong khi đó, tại huyện Phú Giáo, nhiều Trung tâm VHTT được đầu tư xây dựng đồng bộ gồm các hạng mục, như: Hội trường, nhà đa chức năng, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, khu vui chơi thiếu nhi, sân khấu ngoài trời. Theo đánh giá, hiện nay các Trung tâm VHTT cấp xã trên địa bàn huyện Phú Giáo đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân. Trung bình hàng năm, mỗi đơn vị tổ chức từ 5-10 giải đấu TDTT và nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu; tham gia các hoạt động do huyện tổ chức, tạo sân chơi bổ ích cho người dân địa phương.

 Tính đến tháng 12-2023, toàn tỉnh có 66/91 xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm VHTT và học tập cộng đồng; trong đó có 56/66 trung tâm có trụ sở riêng. Nhìn chung, các Trung tâm VHTT và học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn thời gian qua cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện TDTT và học tập cộng đồng của nhân dân tại cơ sở. Tuy nhiên, người dân mong rằng nên thực hiện thí điểm mô hình xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động của Trung tâm VHTT, góp phần phát triển các phong trào ở địa phương.

 

Một hoạt động tập thể được tổ chức tại Trung tâm VHTT phường Tân Phước Khánh

Cần chính sách “gỡ khó”

Trao đổi với P.V, lãnh đạo UBND phường An Phú (TP. Thuận An), cho biết hiện nay trung tâm VHTT của phường “gặp không ít khó khăn trong việc duy trì hoạt động”. Được biết tổng diện tích của Trung tâm VHTT phường An Phú là hơn 15.000m2. Hiện nay, hoạt động chủ yếu của trung tâm là sinh hoạt các CLB, như: CLB cầu lông, phòng tập yoga, CLB thể thao đa môn, nhóm văn nghệ thể thao, CLB đờn ca tài tử… Trung tâm còn là nơi địa phương tổ chức các chương trình, hội thi, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. “Tuy nhiên, số lượng người tham gia cũng còn hạn chế, chủ yếu là các thành viên của CLB, chưa thu hút được đông đảo người dân đến tập luyện TDTT và xem các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng”, báo cáo của UBND phường An Phú nêu. Trước một số khó khăn, phường đã có văn bản kiến nghị gỡ khó, trong đó đề xuất xã hội hóa một số hoạt động trong trung tâm.

Nói về vấn đề này, lãnh đạo một số địa phương cho rằng hiện nay trung tâm VHTT cấp xã hoạt động theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 23-9-2020 của UBND tỉnh Bình Dương. Trong quá trình hoạt động đã bộc lộ một số khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, các địa phương luôn nỗ lực trong việc duy trì và phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa thể thao nhằm tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân; đồng thời tiếp tục chờ các chính sách “gỡ khó” nhằm khai thác lợi thế của các trung tâm này phù hợp với tình hình chung.

 Theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 23-9-2020 của UBND tỉnh Bình Dương về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm VHTT - học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì trung tâm chịu sự quản lý chỉ đạo điều hành trực tiếp của UBND cấp xã, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Văn hóa và thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu và tài khoản riêng.

 L.T.PHƯƠNG - THANH TUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=817
Quay lên trên