Cùng với sự phát triển mạnh về kinh tế, những năm qua, TP.Tân Uyên đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh.

Huy động các nguồn lực đầu tư
Xác định rõ tầm quan trọng của thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thành phố đã quan tâm dành quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế VHTT. Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống thiết chế VHTT cơ sở được chú trọng, từng bước được đầu tư, hoàn thiện theo hướng đa dạng các hình thức hoạt động, cơ sở vật chất. Các phòng chức năng, phòng sinh hoạt, học tập, trang thiết bị âm thanh, dụng cụ luyện tập thể dục thể thao (TDTT) được bổ sung, cải thiện cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng.
TP.Tân Uyên vừa tổ chức Đại hội Thể dục thể thao năm 2025 tại xã Bạch Đằng, tạo sân chơi rèn luyện sức khỏe cho người dân
Hiện TP.Tân Uyên có 1 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố, 6 Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã, phường đang hoạt động. Thành phố có 25 công viên, hoa viên với tổng diện tích khoảng 30.000m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 25 tỷ đồng, được lát gạch, trồng cây xanh, hoa kiểng, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng, bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời, wifi miễn phí… tạo điều kiện thuận lợi để người dân giao lưu, vận động, sinh hoạt cộng đồng và tận hưởng không khí trong lành, giúp tái tạo sức lao động của cư dân đô thị, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng, cải thiện môi trường sống ở các khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Riêng về thiết chế TDTT, trên địa bàn có 30 sân bóng đámini, 14 câu lạc bộ thểdục thểhình, 3 sân quần vợt, 6 hồbơi, 6 sân cầu lông. Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Tân Uyên, cho biết: “Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận của người dân, đến nay, hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn thành phố ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu giải trí, tập luyện thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân”.
Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, TP.Tân Uyên còn huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT, đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động VHTT. Qua đó, góp phần với địa phương tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT lành mạnh, bổ ích trong nhân dân. Điển hình, nhiều công trình được xây dựng từ nguồn xã hội hóa có giá trị, như: Hồ bơi, nhà thi đấu đa năng, sân cầu lông, sân quần vượt (Trung tâm VHTT thành phố) có vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng; sân bóng đá mini ở Trung tâm VHTT phường Thái Hòa có tổng kinh phí xây dựng 600 triệu đồng; xây dựng hồ bơi tại phường Thái Hòa và phường Tân Phước Khánh với tổng kinh phí 6 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, toàn thành phố có trên có110 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT theo hình thức xã hội hóa 100%, với nhiều loại hình đa dạng, như: Sân bóng đá mini, cầu lông, tennis, patin, trung tâm thể dục thẩm mỹ - yoga; 18 khu trò chơi thiếu nhi… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT được xây dựng từ nguồn xã hội hóa đã góp phần đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, phục vụ cho các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT.
Các Trung tâm VHTT xã, phường đã đầu tư xã hội hóa được 3 hồ bơi, 1 sân bóng đá, 1 phòng billards, tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Thông qua việc xã hội hóa, các công viên, vườn hoa công cộng trên địa bàn thành phố được tu bổ, lắp đặt thêm các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Mở ra nhiều sân chơi bổ ích
Nhờ được đầu tư đồng bộ, các thiết chế VHTT, phong trào văn hóa, TDTT của thành phố ngày càng khởi sắc. Những năm qua, địa phương thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Tính đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa thành phố đạt trên 40%; số gia đình thể thao đạt 38,7%. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học có những chuyển biến tích cực. Trung bình hàng năm, thành phố tổ chức trên 10 giải thi đấu thể thao cấp thành phố, hàng trăm giải thể thao cấp cơ sở.
Để mang lại sân chơi bổ ích cho các em học sinh, hoạt động thư viện của thành phố cũng phong phú, đa dạng với việc tổ chức triển lãm, trưng bày sách, phục vụ sách lưu động, tổ chức các hội thi vẽ tranh, kể chuyện sách và tuổi thơ, phục vụ sách hè... Các hoạt động này thu hút hơn 10.000 lượt người tham gia/năm. Các di tích trên địa bàn thành phố đã tiếp đón hơn 10.000 lượt du khách đến tham quan, về nguồn, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, sinh hoạt ngoại khóa…
Bên cạnh đó, các Trung tâm VHTT và Học tập cộng đồng các xã, phường phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hội diễn văn nghệ, hội thi, chương trình văn hóa, văn nghệ. Liên kết với các đoàn nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ người dân, phối hợp tổ chức các lớp chuyên đề, dạy nghề cho lao động nông thôn, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học công nghệ.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, TP.Tân Uyên tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình TDTT, mở ra nhiều sân chơi bổ ích cho người dân. Ông Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Để phát huy hiệu quả các thiết chế VHTT trên địa bàn, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế VHTT ở cơ sở là rất cần thiết nhằm gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của địa phương và lợi ích của cộng đồng; huy động sự tham gia của các đoàn thể và liên kết các đơn vị để làm phong phú nội dung hoạt động tại các thiết chế VHTT ở cơ sở; xây dựng các nội dung, chương trình, mô hình đội nhóm, câu lạc bộ VHTT phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng, lứa tuổi...”.
Là vùng đất giàu truyền thống, TP.Tân Uyên hiện có 12 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận, gồm 1 di tích cấp Quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Các di tích là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của TP.Tân Uyên và của tỉnh Bình Dương. Hàng năm, các di tích này thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử Tân Uyên. |
QUANG TÁM - VĂN DŨNG