Phát huy lợi thế cảng cạn, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa

Cập nhật: 04-06-2024 | 06:20:31

Cảng Thạnh Phước vừa trở thành cảng cạn đầu tiên được công bố tại Bình Dương. Tháng 3-2024, Bộ Tài chính đã công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa tại cảng cạn Thạnh Phước. Đây tiếp tục được coi như một “nút mở” khai thông tiềm năng logistics tại địa phương.

 Cảng Thạnh Phước được phép làm thủ tục thông quan sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

 Khai thông tiềm năng logistics

Được thành lập từ năm 2007, cảng cạn Thạnh Phước là cảng thủy nội địa nằm cạnh sông Đồng Nai. Cảng được quy hoạch với tổng diện tích 53 ha, bao gồm 16 cầu cảng với tổng chiều dài lên đến 1 km. Cảng có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy tải trọng đến 3.000 tấn.

Ông Trần Hữu Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước, cho biết cảng cạn Thạnh Phước với các hệ thống kho, bãi khai thác sẵn có cùng với vị trí địa lý thuận lợi để có thể kết nối các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, với mong muốn chuyển đổi phương thức vận tải để tạo nên một tuyến đường logistics “xanh”, cảng cạn Thạnh Phước chú trọng phát triển các dịch vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) tại cảng thông qua các tuyến sà lan kết nối với các cụm cảng ở TP.Hồ Chí Minh và đặc biệt là kết nối với cụm cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tại hội nghị giới thiệu về thủ tục XNK hàng hóa qua cảng Thạnh Phước cho hơn 140 doanh nghiệp (DN) XNK, logistics trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết việc cảng Thạnh Phước được công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan XNK hàng hóa sẽ tạo thuận lợi cho DN. Thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm thủ tục XNK, giờ đây DN có thể làm thủ tục ngay tại cảng Thạnh Phước. Từ đó, rút ngắn được thời gian vận chuyển, giảm chi phí, giảm tải cho các cảng tại TP.Hồ Chí Minh, giảm ùn tắc giao thông…

Bình Dương đang thực hiện chính sách tập trung di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam vào khu, cụm công nghiệp phía bắc tỉnh. Điều này rất thuận lợi cho các DN khi lựa chọn cảng cạn Thạnh Phước thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa XNK. Cùng với lợi thế về các chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Dương cũng như sự hỗ trợ về thủ tục của Cục Hải quan Bình Dương, cảng cạn Thạnh Phước cũng đã kết nối đường truyền dữ liệu liên thông giữa hải quan và hãng tàu; đồng thời đầu tư hệ thống quản lý cảng thông minh với các phần mềm TOS, Eport… giúp DN rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục trong quá trình thông quan, giao nhận hàng hóa.

Khai thác hiệu quả cảng thủy nội địa

Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 33 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các DN, đặc biệt là các DN FDI. Tổng kim ngạch XNK của các DN trên địa bàn Bình Dương hiện đứng vị trí thứ 4 cả nước. Từ lợi thế đó đã tạo điều kiện cho các DN kinh doanh dịch vụ logistics của tỉnh phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN trong tỉnh.

Đa số các nhà đầu tư đều cho rằng họ khó có thể chấp nhận một địa điểm đầu tư không thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu sản xuất, cũng như việc tối ưu hóa chi phí trên đường xuất khẩu. Hiểu rõ điều này, Bình Dương đang quyết liệt sớm hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đi qua địa phận của tỉnh, đồng thời tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Cùng với đó hình thành hệ thống các cảng An Sơn, An Tây, An Điền, nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế… Các công trình này đã và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cảng thủy nội địa đang khai thác vận chuyển hàng hóa và 11 cảng thủy được quy hoạch đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Hệ thống cảng thủy nội địa đã và đang dần phát huy vai trò, lợi thế trong việc cắt giảm chi chí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa; đặc biệt là góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối giữa Bình Dương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Ông Trần Văn Úc, Trưởng phòng XNK - Logistics, Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, bày tỏ vui mừng vì có thêm một phương thức vận tải, XNK hàng hóa mới từ đường bộ sang vận chuyển bằng sà lan. Cùng với các lợi thế về các chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Dương cũng như sự hỗ trợ về chính sách thủ tục của các ngành, cảng Thạnh Phước được làm thủ tục thông quan sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho DN.

 Cuối năm 2023, Bộ Giao thông - Vận tải đã bổ sung 3 cảng cạn mới, gồm cảng Thạnh Phước, cảng Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) và cảng Phú Mỹ (giai đoạn 1) vào hệ thống cảng cạn Việt Nam. Trong đó, cảng cạn Thạnh Phước nằm tại vị trí số 207, ĐT747A, tổ 1, khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, TP.Tân Uyên, góp phần mở ra cửa ngõ thông thương hàng hóa giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành khác trong cả nước, giúp việc vận chuyển hàng hóa của DN được thuận lợi và tiết kiệm chi phí.

 NGỌC THANH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=574
Quay lên trên