Phát huy lợi thế du lịch, cải thiện đời sống người dân

Thứ tư, ngày 28/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

 Với hệ thống sông ngòi phong phú, nhiều vườn cây ăn trái ở các cù lao trên sông Đồng Nai, TP.Tân Uyên có đủ các yếu tố để phát triển du lịch xanh, nếu biết khai thác thế mạnh này.

 Cầu Bạch Đằng 2 kết nối xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) giúp du khách dễ dàng đến “làng thông minh” du lịch

 Những ngày cuối tuần, hình ảnh nhiều người dễ dàng thấy nhất là các đoàn khách chạy xe đạp nối đuôi nhau len lỏi vào những con đường rợp bóng mát ở xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội. Đó có khi là người dân địa phương đi tập thể dục, hoặc các đoàn du khách từ tận TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đạp xe xuống đây tham quan, ngắm cảnh. Theo đánh giá, hiện hình thức du lịch xanh đang là xu hướng, nếu biết tận dụng thế mạnh thì sẽ giúp địa phương phát triển ngành công nghiệp không khói.

Theo kế hoạch triển khai phương án phát triển hệ thống du lịch trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, các sản phẩm như nghề truyền thống (gốm sứ), vườn cây ăn trái ở TP.Tân Uyên “góp mặt” trong nhóm các sản phẩm chủ lực để phát triển du lịch cộng đồng.

Thế mạnh của TP.Tân Uyên là hệ thống sông ngòi phong phú, khí hậu trong lành. Trong đó, sông Đồng Nai chảy qua địa bàn TP.Tân Uyên khoảng 21km, qua 6 xã, phường. Đoạn sông này rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy, du lịch. Thời gian qua, TP.Tân Uyên quy hoạch để phát triển đô thị ven sông tại các phường Thái Hòa, Thạnh Phước, Khánh Bình và Uyên Hưng; phát triển du lịch sinh thái trên sông gồm xã Bạch Đằng, Thạnh Hội, Thái Hòa và Uyên Hưng.

Song song đó, Tân Uyên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng cùng với cảnh quan sông Đồng Nai, vườn cây trái xanh tươi cùng 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh, hàng năm, TP.Tân Uyên thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan.

Trước tiềm năng của mình, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đến du khách gần xa. Một trong những hoạt động đã tạo được thương hiệu là lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng”; tổ chức các hoạt động kết nối sản phẩm du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương…

Khi tận dụng được các lợi thế của mình để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, nhằm phát huy giá trị của các di tích, lịch sử, các làng nghề truyền thống và những giá trị văn hóa bản địa, sẽ giúp người dân địa phương có thu nhập và cũng chính cách làm này sẽ giúp bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa gắn liền với đất và người địa phương.

 L.T.PHƯƠNG